Du xuân, đi lễ đầu năm: Nét đẹp văn hóa của người Việt

11:10 | 14/12/2022 Print
Đối với mỗi người dân Việt Nam, đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Du xuân, lễ hội năm Nhâm Dần diễn ra trong tâm thế đặc biệt khi các nghi thức dâng hương, tế lễ được thực hiện theo quy mô nhỏ với tâm linh thành kính, trang nghiêm, đảm bảo quy định phòng chống dịch.

Đa dạng các loại hình lễ hội

Sự thay đổi này không đồng nghĩa với việc làm mất đi giá trị văn hóa đã thành tập tục, thói quen mà để bảo tồn và thích ứng để an toàn trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Dịp đầu xuân năm mới, có người chọn đi du lịch tại những vùng đất xa xôi; có người đi chùa vãn cảnh, xin lộc đầu năm, cũng có những người chỉ đến nhà họ hàng, bà con cô bác, bè bạn thăm hỏi, chúc tết. Không cần phải đến những nơi ồn ào, náo nhiệt, du xuân chỉ đơn giản là ra khỏi nhà để tận hưởng không khí mùa Xuân ấm áp, ngắm nhìn vạn vật nảy nở, sinh sôi.

Người Việt đi du xuân trong tâm thế hoan hỉ. Họ khoác lên mình những bộ quần áo mới sặc sỡ, trao nhau những nụ cười ấm áp và ánh mắt yêu thương. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, bộn bề, nhưng tết đến, dường như tất cả mọi người đều tạm quên những phiền lo của năm cũ để cùng nhau du xuân, đón chào một năm mới rực rỡ, nhiều may mắn.

Du xuân, đi lễ đầu năm: Nét đẹp văn hóa của người Việt
Người dân đi lễ, du xuân đều đảm bảo các quy định phòng chống dịch. Ảnh: T.M

Trong kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam, sinh hoạt lễ hội là vùng văn hóa rất đặc trưng và hầu như có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Lễ hội ở Việt Nam bao giờ cũng hướng tới một đối tượng thiêng liêng cần suy tôn là nhân thần hay nhiên thần. Đó chính là hình ảnh hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhất của con người. Giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt.

Nước ta hiện nay có gần 8.000 lễ hội (theo số liệu thống kê năm 2009) và các lễ hội truyền thống thường được diễn ra vào mùa Xuân. Nhưng hội xuân truyền thống thường rất khiêm tốn và kéo dài trong một thời gian nhất định. Cũng bởi “Tháng Giêng là tháng ăn chơi... ”, dẫu mỗi vùng, miền có cách tổ chức hội khác nhau, nhưng hội xuân dân tộc chỉ diễn ra trong tháng Giêng và không mang tính cầu kỳ, phô trương. Người tổ chức hội và người tham gia hội hoàn toàn mang tính tự nguyện, hoà mình với nhau theo kiểu “đến hẹn lại lên”.

Ước nguyện những điều tốt đẹp những ngày đầu Xuân

Tại miền Bắc, hội xuân rất phong phú, mỗi lễ hội có nét đẹp riêng và người đi hội gọi là “Trẩy hội”. Người già, trung niên đầu năm thường tham gia trẩy hội Chùa Hương, hội Làng Gióng... Cách thức ăn mặc không rườm rà, miễn sao có lòng thành để mang hương hoa, lễ vật đến cúng Phật, Thánh, Thần.

Mục đích chính của người đi hội là để được cầu an gia đạo. Lớp trai thanh, gái lịch thì thường chọn hội Lim để được gặp gỡ các "liền anh, liền chị", được thưởng thức tài nghệ của vùng đất Kinh Bắc, nơi đã sản sinh cho văn hóa Việt rất nhiều thuần phong mỹ tục. Hệ thống lễ hội và ca hát là nét đẹp tiêu biểu của đất này. Đây là một sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đặc sắc của nền văn hóa truyền thống lâu đời ở miền Bắc. Lúc này, vào thời khắc đầu xuân, trời đất giao hòa, vạn vật sinh sôi, lòng người phơi phới ấy là khi vùng đất Nội Duệ tưng bừng trong không khí lễ hội.

Du xuân, đi lễ đầu năm: Nét đẹp văn hóa của người Việt
Các khu di dích tại Hà Nội đã mở cửa đón khách trở lại dịp đầu năm mới. Ảnh: M.T

Ở miền Trung và miền Nam, nhìn chung phần hội ngày xuân thường mang tính đặc thù của vùng đất sinh sống. Nếu miền Nam, trong ngày hội thường chú trọng phần ăn uống “lai rai”, thì ở miền Trung lại chủ yếu phần “chơi”: chơi Bài chòi; chơi lôtô, nghe hát Sắc bùa đầu năm... Dù “ăn” hay “chơi”, mọi người đều chuộng cách ăn mặc đẹp, trang trọng, giao tiếp cởi mở để lấy “hên” đầu năm. Và do đó, sau mỗi cái tết đi qua, mọi người gặp nhau thường hỏi chuyện: Đi được những đâu? Đã gặp may đầu năm chưa…

Người Việt cũng tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản để ước nguyện mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những năm tháng vất vả trong cuộc mưu sinh. Hòa vào dòng người đi lễ đầu xuân, trong tiết trời se se lạnh, lất phất giọt mưa xuân, ta như cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi vào Xuân.

Cửa chùa rộng mở với tiếng chuông ngân vang cùng mùi thơm của khói hương, hoa lễ luôn làm cho tâm hồn con người thanh bình đến lạ. Họ đến chùa không chỉ để cầu may hay gột bỏ những ưu phiền, mà còn để tìm về với cội nguồn dân tộc. Tất cả những điều đó như một gam màu lấp lánh, tạo nên nét đa sắc trong bức tranh văn hóa Việt Nam. Xuân Nhâm Dần tình hình diễn biến của dịch có nhiều thay đổi, nên việc đi lễ đầu xuân và hoạt động văn hóa du xuân cũng được bám sát vào các quy định phòng dịch.

Ngày đầu Xuân Nhâm Dần năm 2022, tại các ngôi đền, chùa trên địa bàn Hà Nội rộn ràng không khí người dân đi du xuân lễ chùa cầu an, cầu may cho một năm mới. Lượng người đi lễ đền, chùa không quá đông đúc, chen lấn như những năm trước và công tác phòng, chống dịch bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình được mọi người đề cao thực hiện nghiêm túc.

Đi lễ đầu xuân không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân bạn bè, mà còn là dịp để thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh tại chốn linh thiêng trong tiết xuân và là dịp để hiểu thêm về nét văn hóa truyền thống của dân tộc, bổ sung thêm kiến thức lịch sử của bản thân./.

Tấn Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam