Giữ gìn bản sắc văn hóa phát triển du lịch cộng đồng

08:10 | 13/12/2022 Print
Với điều kiện khí hậu tự nhiên mát mẻ, rừng núi hoang sơ nhưng hùng vĩ, thơ mộng cùng với bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, mấy năm gần đây dịch vụ du lịch cộng đồng ở huyện vùng cao Na Hang, Lâm Bình (Tuyên Quang) đã phát triển nhanh chóng.
Giữ gìn bản sắc văn hóa phát triển du lịch cộng đồng
Bà Húng Thị Cháng, dân tộc Pà Thẻn, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình)

hướng dẫn phụ nữ trong thôn nghề dệt truyền thống.

Gắn với phát triển du lịch

Với 13 dân tộc anh em, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 98%, mỗi dân tộc trên địa bàn huyện Lâm Bình đều có phong tục, tập quán riêng. Theo đó, trang phục cũng có những nét độc đáo riêng. Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện vẫn thường xuyên sử dụng trang phục truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày và các dịp sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, theo sự phát triển của xã hội, thói quen sử dụng trang phục truyền thống của người dân đã thay đổi. Với người Tày, Mông, Dao, Nùng… việc sử dụng trang phục truyền thống hàng ngày chủ yếu là người cao tuổi. Thế hệ trẻ hầu như rất ít mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong đời sống hàng ngày mà chỉ sử dụng vào những dịp như: lễ, tết, hội hè hay giao lưu văn nghệ. Các trang phục hiện nay cũng chủ yếu được may, bán sẵn, bởi vậy, việc làm trang phục truyền thống không còn phổ biến.

Nhận thấy sự mai một trong việc giữ gìn nghề làm trang phục truyền thống, UBND huyện đã có những giải pháp khuyến khích các địa phương phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức các lớp dạy nghề cho người dân. Đặc biệt, việc giữ gìn nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch đang là hướng đi hiệu quả trên địa bàn huyện.

Thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang hiện có 94 hộ với 500 nhân khẩu là người dân tộc Pà Thẻn. Những năm qua, người Pà Thẻn nơi đây luôn giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. UBND xã đã chú trọng đến công tác đào tạo nghề dệt truyền thống của dân tộc Pà Thẻn.

Tại các bản vùng cao du khách sẽ được tận mắt chứng kiến từng công đoạn dệt nên bộ trang phục truyền thống của của đồng bào dân tộc Tày ở Khuôn Hà. Du khách đi vào thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang cũng rất hào hứng khi mặc trang phục màu đỏ của người Pà Thẻn, trông như những bông hoa rực rỡ giữa đại ngàn. Ở xã Hồng Quang du khách còn được tận mắt chứng kiến những công đoạn chấm sáp ong trên trang phục người Dao tiền được người dân trong thôn Khổi Xoan hàng ngày gìn giữ. Vào tiết trời sang xuân, du khách lại được khoác lên mình những bộ trang phục của người Dao, người Mông dưới những vườn hoa lê trắng ngần cả một vùng đồi được rất nhiều các bạn nữ yêu thích.

Khai thác toàn diện các giá trị từ cộng đồng

Với điều kiện khí hậu tự nhiên mát mẻ, rừng núi hoang sơ nhưng hùng vĩ, thơ mộng cùng với bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, mấy năm gần đây dịch vụ du lịch cộng đồng ở huyện vùng cao Na Hang đã phát triển nhanh chóng. Nhằm đa dạng hóa các dịch vụ trải nghiệm cho du khách, các chủ cơ sở homestay đã không ngừng tìm tòi, khai thác các dịch vụ du lịch để chiều lòng du khách; du khách được “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” được hòa mình với cuộc sống của đồng bào sở tại, tìm hiểu những phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc.

Đặc biệt ở các cơ sở Homestay du khách cũng có khá nhiều lựa chọn với nhiều hình thức du lịch độc đáo như nhảy sạp, hát then, múa chén, chụp chung những tấm hình với đồng bào dân tộc là những trải nghiệm khá thú vị đối với du khách thập phương.

Với việc chú trọng phát triển loại hình du lịch cộng đồng, huyện Lâm Bình đã từng bước xây dựng, bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo để khai thác tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại các bản vùng cao trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, góp phần lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương.

Thực tế đã chứng minh, du lịch cộng đồng đã đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội cho người dân địa phương thông qua tạo ra công ăn việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao được đời sống cộng đồng và có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.

Từ những vùng, địa phương kinh tế còn khó khăn, nhờ hoạt động du lịch, sinh kế của người dân đã được cải thiện rõ rệt, từng bước bắt kịp những tỉnh, địa phương có hoạt động kinh tế - xã hội phát triển.

Hà Thu

© Thời báo Tài chính Việt Nam