Nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc

11:10 | 21/12/2022 Print
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025; trong đó quy định về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Hỗ trợ 100% khảo sát tiềm năng phát triển chuỗi giá trị

Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với diện tích rừng Nhà nước giao cho ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là rừng tự nhiên Nhà nước giao cho các công ty lâm nghiệp quản lý; rừng chưa giao, chưa cho thuê do UBND xã, phường, thị trấn quản lý.

Hỗ trợ bảo vệ rừng đối với rừng quy hoạch rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình; hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung; hỗ trợ cấp gạo trồng rừng cho hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung, trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ.

Nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc
Bộ Tài chính đề xuất cơ chế tài chính nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc. Ảnh: TL.

Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020; Thông tư liên tịch số 93/2016/TTLT-BTC-BNNPTNT.

Đáng chú ý, thông tư đã quy định về đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong đó, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, Thông tư số 15 quy định mức chi một số nội dung sau: chi hỗ trợ tư vấn xây dựng liên kết, khảo sát đánh giá tiềm năng phát triển chuỗi giá trị, tư vấn xây dựng phương pháp, kế hoạch sản xuất kinh doanh. Mức hỗ trợ tối đa 100% chi phí thực hiện, trong đó, chi tiền công, hội thảo theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN.

Chi tập huấn, nâng cao năng lực kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, quản trị chuỗi giá trị, năng lực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Chi hỗ trợ áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ. Chi hỗ trợ nguyên liệu, giống, cây, con, vật tư kỹ thuật; hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, hỗ trợ các hoạt động quảng bá sản phẩm, mở rộng các kênh phân phối theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chi hỗ trợ sản phẩm chủ lực lên đến 1 tỷ đồng/dự án

Thông tư 15 cũng hướng dẫn về chi hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý. Theo đó, ngân sách nhà nước chi hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho lao động tại chỗ: mức hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng 1 người lao động, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng từ nguồn ngân sách địa phương.

Hỗ trợ chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh: hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mức tối đa 50% tổng kinh phí của hoạt động và không quá 1 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh: hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mức tối đa 50% tổng kinh phí của hoạt động và không quá 1 tỷ đồng/dự án.

Ngoài ra, hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng: mức hỗ trợ 80% kinh phí thực hiện, không quá 300 triệu đồng/đề tài/bản quyền/công nghệ. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương.

Thông tư cũng nêu rõ: Ngân sách nhà nước hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng hệ thống kết nối chuỗi giá trị dược liệu và sản phẩm y dược cổ truyền được truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng; xúc tiến thương mại cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Về hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, Thông tư số 15 quy định:

Hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất tại hiện trường, nhưng không quá 30 triệu đồng/khóa đào tạo, tối đa 5 khóa/mô hình;

Hỗ trợ 100% chi phí hợp đồng đặt hàng các cơ sở viện, trường để nghiên cứu thử nghiệm phát triển sản phẩm dịch vụ nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng và tối đa 5 hợp đồng/mô hình;

Hỗ trợ 75% chi phí thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tối đa 150 triệu đồng/mô hình;

Về hỗ trợ chi phí vận hành các dự án “Trung tâm hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và dự án “Trung tâm kết nối giao thương thương mại, du lịch và quảng bá sản vật vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, ngân sách thực hiện hỗ trợ xây dựng trang điện tử, hệ thống cơ sở dữ liệu, cổng kết nối điện tử hỗ trợ trực tuyến theo dự án hoặc đề cương chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa 1 tỷ đồng/trung tâm.

Hỗ trợ gian hàng kết nối, giới thiệu sản phẩm dân tộc thiểu số và miền núi và thu hút đầu tư, mức hỗ trợ tối đa 400 triệu đồng/trung tâm (không bao gồm xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng)./.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam