Chùa trong đời sống văn hóa của người Khmer

14:00 | 14/12/2022 Print
Dân tộc Khmer có hơn 1,3 triệu người, tập trung đông nhất là trên đất giồng cát, ven sông ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang, Trà Vinh. Là một dân tộc gắn bó với Phật giáo Nam tông (hệ phái Mahanikaya), cho nên các phum, sóc của người Khmer đều có chùa để dân chúng đến tụng kinh, thờ Phật...

Ở Nam Bộ hiện có khoảng 500 chùa Khmer lớn nhỏ, tập trung ở hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, là hai địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, cũng là nơi có nhiều ngôi chùa Khmer nổi tiếng.

Từ cổng nhìn vào chùa Khmer Nam Bộ, qua cầu thang, có hai cấp sân rộng bao quanh ngôi chính điện được tráng xi – măng, mái chùa có ba cấp, mỗi cấp được chia thành ba nếp, nếp giữa lớn hơn hai nếp phụ hai bên bằng nhau, không có thác nóc.

Chùa trong đời sống văn hóa của người Khmer
Dưới sự điều hành của Acha, mọi người xếp hàng đi vòng quanh chính điện 3 lần để làm lễ mừng năm mới.

Ðiểm chung của chùa Khmer Nam Bộ là chính điện quay về hướng đông; vì bà con cho rằng, con đường tu hành của Phật đi từ tây sang đông. Bên trong chính điện mang vẻ bề thế và lộng lẫy với nhiều màu sắc như nét văn hóa Khmer, nét đặc thù của Bà La – môn giáo ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Ấn Ðộ, nhiều nhất là trên nóc được trang trí hình ảnh đền Ăngco Vat, nơi khởi nguồn của phong cách kiến trúc Khmer.

Chung quanh trong chính điện bày trí nhiều hình ảnh giải thích quá trình tu hành khổ luyện của Ðức Phật từ lúc sinh ra đến lúc làm Thái tử và cho đến khi vào cõi Niết Bàn. Ðối diện chính điện là các cột trụ biểu với hình tượng thần rắn Naga năm đầu, dùng thắp nến vào những ngày lễ hội.

Chùa trong đời sống văn hóa của người Khmer

Đồng bào Khmer các phum, sóc dâng cơm lên các sư trong những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây tại chùa Kh’léang, TP. Sóc Trăng.

Ngôi chùa có một vị thế rất vững chắc trong đời sống xã hội và tâm thức của người Khmer. Theo Hòa thượng Tăng Nô, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Sư cả Chùa Kh’léang TP. Sóc Trăng, thì: “Chùa và chư tăng là cột trụ về tinh thần, cho nên mọi nghi thức lễ hội, đón mừng năm mới diễn ra ở chùa, mang đậm màu sắc lễ hội Phật giáo. Nam giới lớn lên được tu dưỡng trong tinh thần Phật giáo, xuống tóc đi tu, học giáo lý nhà Phật, học văn hóa trước khi bước vào cuộc sống tự lập của người trưởng thành. Khi chết, người Khmer hỏa táng và tro được gửi lên chùa”.

Ðóng góp dựng chùa, nuôi chùa được coi như một khoán ước bảo đảm hạnh phúc cho cuộc sống hiện tại và vĩnh hằng sau này của mỗi kiếp người. Người Khmer không tiếc công sức, vật liệu quý cùng sự khéo léo của đôi tay để xây dựng chùa, vì thế chùa trở thành trung tâm của phum, sóc, gắn bó thiêng liêng cả đời. Chùa là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa, là nơi rèn luyện đạo đức, phẩm hạnh.

Chùa trong đời sống văn hóa của người Khmer

Tết Chôl Chnăm Thmây, tắm tượng Phật là một nghi lễ rất quan trọng đối với đồng bào Khmer. Bởi theo quan niệm của đồng bào Khmer, tắm Phật là việc làm cao đẹp, với ý nghĩa tự nguyện làm tốt cho mình, gội rửa điều xấu, điều ác trong tâm và mong cầu sự mát mẻ, an lành, hạnh phúc cho mọi người.

Với cộng đồng người Khmer, chùa không chỉ là nơi thực hiện tín ngưỡng tâm linh mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ông Thạch Quyết, A cha chùa Xiêm Cán (TP. Bạc Liêu) cho biết: "Hầu như tất cả các dịp lễ, tết truyền thống trong năm, chúng tôi đều đến chùa. Ông bà xưa đã như vậy, thế hệ hôm nay chỉ biết làm theo. Chôl Chnăm Thmây chúng tôi đến chùa mừng tuổi mới; Dolta, chúng tôi đến chùa cầu phước cho ông bà. Đó là chưa kể những lễ nhập hạ, dâng y của người Khmer chỉ diễn ra trong chùa".

"Ngoài ra, chúng tôi đến chùa để trao đổi mọi chuyện trong cuộc sống đời thường, chuyện đồng áng hay chuyện liên quan đến chùa. Thông thường, mỗi sóc sẽ có 1 ngôi chùa. Tuy nhiên, nếu số hộ Khmer trong khu vực đó quá đông thì sẽ có đến 2 hoặc 3 ngôi chùa” – ông Thạch Quyết cho biết thêm.

Chùa trong đời sống văn hóa của người Khmer
Lễ Sen Đônta mùa “hiếu hạnh” dâng quà cho ông bà cha mẹ cầu mong nhiều sức khỏe là nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.

Nhà giáo Nhân dân Lâm Es - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng, nói: "Tôi được như hôm nay một phần chủ yếu là từ chùa. Lúc nhỏ được mẹ gửi lên chùa Cần Ðước (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) để đi học, ăn cơm chùa, áo quần bà con phum, sóc cho. Suốt chín năm tu ở chùa để trả hiếu, cầu kinh niệm Phật, mua sách vở tiếng Việt, tiếng Pháp về tự học và tìm kiếm sách tiếng Khmer trong các chùa về để tìm hiểu nghiên cứu, dạy chữ Paly cho trẻ nhỏ tại các phum, sóc lân cận. Ðó là những kỷ niệm đẹp nhất trong đời".

“Người trẻ đến chùa nghe kinh Phật để làm điều phải, người già đến chùa để sống tốt hơn. Trong khu vực chùa có rất nhiều tượng được dựng lên để kể cho người đời về sự tích của đức Phật, từ đó họ biết cách học theo Ngài mà trở thành người có ích cho cộng đồng. Nếu đời sống người Khmer không có chùa thì cũng giống như xây nhà không có nóc” – Nhà giáo Nhân dân Lâm Es nói.

Chùa trong đời sống văn hóa của người Khmer

Trong không khí đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, thanh niên Khmer các phum sóc chùa Bâng Cro Cháp Chắc, xã Châu Khánh (huyện Long Phú – Sóc Trăng) tưng bừng với nhiều trò chơi dân gian (kéo co) được tổ chức tại chùa phục vụ các phật tử và du khách thập phương, tạo sinh khí vui tươi trong những ngày tết.

Trong tâm thức mỗi người Khmer, ngôi chùa hiện hữu trong suốt cuộc đời của họ. Từ khi còn bé, người Khmer đã đi chùa. Lớn lên, dù bận lo cho cuộc mưu sinh, họ vẫn thường đến chùa. Về già, họ càng gắn bó với ngôi chùa hơn. Đến khi qua đời, người Khmer cũng muốn được an táng trong khu vực đất chùa để linh hồn thanh thản. Ngoài ra, nhiều sư cũng tranh thủ dạy chữ Khmer trong chùa. Dù điều kiện có khác nhau nhưng các chùa vẫn làm tốt việc lưu giữ văn hóa cho cộng đồng Khmer./.

Phương Nghi

© Thời báo Tài chính Việt Nam