Nhạc ngũ âm trong đời sống văn hóa của người Khmer

16:32 | 06/06/2022 Print
Trong kho tàng âm nhạc dân gian Khmer có nhiều loại hình khác nhau, gắn bó với nhịp sống đời thường, sinh hoạt cộng đồng và các lễ hội. Nhạc ngũ âm (Phlêng Pinpeat) được xem là dàn nhạc truyền thống tiêu biểu, gắn bó với bà con trong mọi niềm vui, nỗi buồn, từ lúc sinh ra cho đến khi về với trời đất.

Sự phát triển của nhạc ngũ âm trong cuộc sống hiện đại đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần ở từng phum, sóc Khmer. Từ lâu, nhạc ngũ âm đã gắn bó với đời sống đồng bào Khmer, thường xuất hiện ở các dịp lễ hội quan trọng diễn ra trong chùa hoặc khi có đám tiệc tại các phum, sóc…

Theo nhà nghiên cứu văn hoá Khmer Sóc Trăng, Nghệ sĩ ưu tú Sơn Lương cho biết, ngũ âm là 5 loại chất liệu tạo thành âm thanh của nhạc. Thông thường là đồng, sắt, gỗ, da và hơi, thể hiện bằng 8 hoặc 9 loại nhạc khí khác nhau, trong đó nhóm âm thanh bằng tre, gỗ có Rôneat Ek (đàn thuyền) được xem là loại nhạc khí chủ đạo, Rôneat Thung; các chất liệu bằng sắt hoặc đồng, gang: Rôneat Đek, Khôông Vông Tôck, Khôông Vông Thum, Skô Samphô. Loại nhạc khí thổi hơi với kèn Srolai Pinn Peat, gồm 2 loại Srolai Tôck (kèn nhỏ) và Srolai Thum (kèn lớn).

Nhạc ngũ âm trong đời sống văn hóa của người Khmer

Một dàn nhạc Phlêng Pinpeat hoàn chỉnh phải hài hoà về hình thức bên ngoài và chuẩn xác về âm thanh. Có đam mê, có yêu nét đẹp và độc đáo của dân tộc mới có đủ kiên nhẫn, thời gian, tâm huyết cho ra được những sản phẩm tốt nhất. Ảnh: Phương Nghi

“Hiện nay, trong dàn nhạc ngũ âm có thể thiếu một vài món, nhưng bắt buộc phải có cặp đàn Rôneat Ek, Rôneat Thung, bộ cồng nhỏ Khôông Vông Tôck và cặp trống Skô Thum thì mới hội đủ điều kiện khi diễn tấu. Do cấu tạo khác nhau nên mỗi loại nhạc cụ đều có đặc trưng về âm thanh riêng biệt, nhưng khi dàn nhạc ngũ âm cùng hòa hợp thì lại hỗ trợ cho nhau, tạo thành một bản nhạc vô cùng độc đáo” – ông Sơn Lương nói.

Để tấu các nhạc cụ này, ông Chau Út (56 tuổi) ở xã Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên, An Giang), người có thể chơi được tất cả nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm cho biết, nhạc ngũ âm của người Khmer rất hay và độc đáo nhưng để sử dụng thành thạo các nhạc cụ này đòi hỏi người sử dụng phải hiểu được cách hòa âm, thật sự yêu và sáng tạo mới thể hiện được một cách chuyên nghiệp. “Để biết sử dụng cơ bản loại hình nhạc cụ này phải mất khoảng 4 tháng để đào tạo, nếu muốn sử dụng thành thạo hơn đòi hỏi phải có quá trình tập luyện lâu dài” – ông Chau Út chia sẻ.

Nhạc ngũ âm trong đời sống văn hóa của người Khmer

Đội nhạc ngũ âm chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông – TP. Bạc Liêu – Bạc Liêu) biểu diễn phục vụ du khách đến tham quan chiêm ngưỡng danh thắng cảnh chùa. Ảnh: Phương Nghi

Hiện nay, ông Chau Út là Đội trưởng Đội nhạc ngũ âm chùa Thom Mít (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên), không chỉ biểu diễn, ông Chau Út còn dạy cách sử dụng các nhạc cụ cho các em nhỏ và đội nhạc của các chùa khác. “Nhiều em tuy tuổi đời còn nhỏ nhưng lại rất đam mê âm nhạc dân tộc mình. Thanh, thiếu niên muốn học thì chúng tôi đều mở lớp cho học hết, để biết và giữ gìn nhạc truyền thống, đây là bản sắc văn hóa dân tộc…” – ông Chau Út nói.

Ngày nay, nhạc ngũ âm ngoài việc phục vụ cho chùa và bà con trong phum, sóc, các đội nhạc ngũ âm đã mở rộng phạm vi hoạt động, xuất hiện biểu diễn trong các đám cưới, liên hoan mừng công và còn tổ chức giao lưu, biểu diễn nhiều nơi. Đây là cách để các dàn nhạc ngũ âm được giao lưu, học hỏi với nhau và giới thiệu cho mọi người biết nhiều hơn về nhạc ngũ âm, dàn nhạc truyền thống độc đáo của đồng bào Khmer.

Nhạc ngũ âm trong đời sống văn hóa của người Khmer

Dàn nhạc ngũ âm chùa Dơi (Phường 3, TP. Sóc Trăng – Sóc Trăng) phục vụ Lễ hội Óc om bóc – Đua ghe Ngo đồng bào Khmer. Ảnh: Phương Nghi

Chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) là một trong những ngôi chùa có quá trình phát triển nhạc ngũ âm khá sớm. Đại đức Dương Quân, Trụ trì chùa Xiêm Cán cho biết: “Tùy thuộc vào ý nghĩa sự kiện mà nhạc ngũ âm có cách thể hiện khác nhau. Vào những ngày lễ hội, nhạc ngũ âm làm cho không khí ở phum, sóc thêm rộn ràng; còn khi đám tang thì âm nhạc mang nỗi tiếc thương. Đó chính là nét độc đáo không thể thiếu trong đời sống tinh thần người Khmer. Không chỉ được dùng trong những ngày lễ lớn, đám tiệc, dàn ngũ âm của chùa còn phục vụ cả khách du lịch”.

Còn nghệ nhân Lâm Văn Cường - Đội trưởng nhạc ngũ âm chùa Dơi (phường 3, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) người thành thạo các nhạc cụ của dàn nhạc ngũ âm cho biết: Mỗi em chuyên sâu một nhạc cụ học trong vài năm, theo phương thức truyền nghề, chứ không học lý thuyết âm nhạc thông thường. Sau đó các em vừa học vừa đi biểu diễn. Bởi, âm nhạc là cốt lõi cho một vũ điệu và những bản dân ca Khmer".

“Khi những chiếc dùi của các em ríu ran gõ trên những phím đàn. Tiếng tre trúc hòa trong tiếng đá thanh mảnh, lẫn tiếng tơ ngân lên của bộ chiêng đồng, tấu lên giai điệu hết sức nồng hậu. Đó chính là lời hẹn hò một ngày trở lại Sóc Trăng, đi trong làn gió âm thanh mát rượi tâm hồn” – anh Cường nói, đó là giai đoạn vừa tạm biệt du khách đến Chùa Dơi.

Trong những ngày lễ quan trọng của đồng bào Khmer, nhạc ngũ âm thường được biểu diễn để hỗ trợ cho các điệu múa. Với những âm thanh trầm bổng, nhạc ngũ âm đã làm cho những điệu múa của đồng bào Khmer thêm phần uyển chuyển. Đặc biệt, trong các bài múa cổ và các bài hát, các vở diễn trong sân khấu dù kê, rô băm… nhạc ngũ âm càng góp phần tạo nên nét riêng, sinh động của âm nhạc truyền thống khiến người xem say mê, thích thú. Sự kết hợp giữa các động tác múa, màu sắc trang phục, ánh sáng cùng âm thanh bổng trầm của nhạc cụ ngũ âm đã tạo nên một điểm nhấn đặc sắc rất riêng của nhạc ngũ âm./.

Phương Nghi

© Thời báo Tài chính Việt Nam