Tự lực để thoát nghèo của người dân ở vùng khó khăn Noong Hẻo

09:00 | 08/12/2022 Print
Noong Hẻo có 15 bản với 1.165 hộ, gần 100% là đồng bào dân tộc Thái, đây là xã khó khăn của huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, bộ mặt nông thôn đã dần được cải thiện, cuộc sống người dân từng bước nâng lên.
Tự lực để thoát nghèo của người dân ở vùng khó khăn Noong Hẻo
Người dân xã Noong Hẻo phát dọn thực bì, chăm sóc cây cao su.

Tự lực, tự cường làm giàu trên mảnh đất quê hương

Đến xã Noong Hẻo hôm nay du khách không khỏi ngỡ ngàng trước sự vươn lên mạnh mẽ của vùng đất này, ruộng đồng, nương ngô trải dài bát ngát, nhà cửa khang trang, con trẻ được đến trường, các công trình kiến trúc mọc lên phục vụ nhu cầu cuộc sống. Đặc biệt hơn, người dân hăng say lao động sản xuất, không còn cảnh nghiện hút, ỷ lại trông chờ vào các nguồn hỗ trợ.

Ngày trước, cuộc sống của người dân ở Noong Hẻo gặp nhiều khó khăn, tuy diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhưng bà con không thể khai phá, mùa vụ chỉ dựa vào điều kiện tự nhiên nên vụ được vụ không, chăn nuôi nhỏ lẻ, tính trông chờ, ỷ lại còn nặng trong tâm trí. Nhận thức của người dân nhiều mặt hạn chế nên tệ nạn xã hội dễ dàng xâm nhập, khiến cuộc sống đã nghèo còn nghèo hơn.

Vực dậy vùng quê nghèo, không chỉ tăng cường xuống bản tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, đấu tranh loại bỏ hủ tục, tệ nạn xã hội mà cán bộ xã còn khuyến khích bà con tăng gia sản xuất, tự lực, tự cường làm giàu trên mảnh đất quê hương. Với phương châm "cầm tay, chỉ việc", cán bộ xã còn dạy dân cách sản xuất, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, buôn bán nông sản…

Anh Lò Văn Hươi - Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Mỗi lần đi bản, thấy cuộc sống của người dân khó khăn, chúng tôi rất khổ tâm. Ngoài tổ chức quyên góp, kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ, cán bộ xã vận động dân đẩy mạnh sản xuất, thay thế các giống cũ, triển khai mô hình phát triển kinh tế, quảng bá sản phẩm nông sản ra ngoài thị trường, giúp dân nâng cao mức thu nhập, có cuộc sống ổn định.

Có sự định hướng của cán bộ xã, dân tộc Thái ở 10 bản đã tự thân vận động, tăng cường khai hoang đất sản xuất nâng tổng diện tích gieo trồng lên 1.077ha. Từ mảnh đất cằn cỗi, trơ sỏi đá trở thành đồng, nương với các giống ngô, lúa chất lượng, mỗi vụ năng suất đạt từ 31-48 tạ/ha, sản lượng mỗi năm đạt gần 5.000 tấn, không chỉ đánh bay cái đói mà còn dư thừa để bán. Không những vậy, bà con tích cực trồng rau xanh các loại, cây ăn quả với diện tích 52ha, cải thiện thêm mức thu. Ngoài ra, chăn nuôi được đẩy mạnh với nhiều mô hình gia trại, các bãi chăn thả tập trung hàng chục đến hàng trăm con gia súc, người dân không còn thả rông mà chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Đến nay, toàn xã có 5.410 con gia súc, gần 17.000 con gia cầm.

Quyết tâm xóa đói, giảm nghèo

Anh Lù Văn Yên (bản Noong Hẻo 1) cho biết: Nhờ có sự động viên kịp thời của chính quyền xã, cuộc sống của dân bản từng bước đi lên, bản làng đổi khác với nhiều nhà xây, nhà tầng, người dân hăng say trong lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, tay nghề, hộ khá giúp đỡ hộ khó khăn để cùng nhau làm giàu. Bản thân tôi tích cực đầu tư vào sản xuất nên cuộc sống khá giả, không còn lo nghĩ.

Quyết tâm xóa đói, giảm nghèo không chỉ thể hiện ở nơi lao động mà còn ở các lớp dạy nghề khi người dân tích cực học tập, rèn luyện để có kiến thức, kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn. Các hội, đoàn thể xã triển khai nhiều mô hình, vận động hội, đoàn viên vay vốn phát triển kinh tế. Đặc biệt, thế hệ trẻ thể hiện bản lĩnh, tiên phong trong tất cả phong trào, nhiều bạn trẻ sau khi học xong phổ thông, không vào các trường cao đẳng, đại học mà quyết tâm học nghề, xuất khẩu lao động, tiếp thu kiến thức, kỹ năng rồi trở về đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh, vừa làm giàu cho bản thân, vừa tạo nguồn lao động trong xã. Qua đó, nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 32,5 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, nhân dân trong xã tích cực xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới… từng bước đưa Noong Hẻo ngày càng đi lên giàu đẹp.

Những năm gần đây, từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về các mô hình chăn nuôi, trồng trọt và công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với khai thác các lợi thế của địa phương, đã làm thay đổi tư duy, tập quán sản xuất cũ của người dân. Nhờ làm tốt công tác đào tạo nghề phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, người dân đã được tiếp cận với các ngành nghề mới, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Hà Linh (t.h)

© Thời báo Tài chính Việt Nam