Diện mạo mới ở xã vùng sâu Pơng Drang

13:00 | 06/12/2022 Print
Xã Pơng Drang, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk có 20 thôn, với 10 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 25%, chủ yếu là dân tộc Ê Đê. Những năm qua, nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, người dân nơi đây đã thay đổi tập quán canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao. Kinh tế phát triển, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, diện mạo nông thôn từng ngày khởi sắc.
Diện mạo mới ở xã vùng sâu Pơng Drang
Nghi lễ trong Lễ cúng bến nước của đồng bào Ê Đê ở thôn Ea Nur, xã Pơng Drang.

Nhiều thay đổi tích cực

Thôn Cư Blang có 320 hộ với 1.600 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc Ê Đê chiếm hơn 80%. Trước năm 2015, cuộc sống của bà con trong thôn Cư Blang gặp nhiều khó khăn, đường sá đi lại khó khăn, nhà cửa tạm bợ, nhiều tập tục lạc hậu tồn tại trong cộng đồng, những tưởng không thoát được cái nghèo, cái đói. Từ một thôn khó khăn, đến nay, nhiều tuyến đường nội thôn được nhựa hóa, những đoạn đường lầy lội trước đây đã được san lấp bằng phẳng. Người dân chung tay cùng chính quyền xây dựng quê hương, tự nguyện đóng góp tiền của và nhiều ngày công lao động nhằm thay đổi bộ mặt thôn xóm ngày một khang trang. Nhờ đó, các trục đường chính đều có điện chiếu sáng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Nhà cộng đồng, bến nước được sửa sang, tu bổ khang trang sạch sẽ.

Không những đời sống vật chất của người dân có nhiều thay đổi tích cực mà đời sống văn hóa, tinh thần cũng được quan tâm. Hiện nay, thôn Cư Blang còn khoảng 30 nhà sàn, người dân giữ gìn các nghề truyền thống mang đặc trưng văn hóa của đồng bào Ê Đê. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao do chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương phát động, người dân đều tích cực tham gia. Nhiều năm liên tục, Cư Blang được công nhận thôn văn hóa.

Theo báo cáo của chính quyền địa phương, đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của xã Pơng Drang là 2,97%, giảm 0,34% so với năm 2020, thu nhập bình quân đầu người duy trì mức 41,5 triệu đồng/người/năm. Toàn xã có 18 nhà văn hóa cộng đồng thôn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, thể dục, thể thao của người dân...

100% trục đường liên xã Pơng Drang đã được nhựa hóa, hơn 80% trục đường liên thôn được bê tông. 100% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 971 hộ được sử dụng nước sạch, đạt 25%. Hệ thống điện lưới được Nhà nước đầu tư nâng cấp đã kéo đến 20/20 thôn, số hộ dùng điện lưới an toàn đạt tỷ lệ trên 99%.

Đời sống của người dân từng ngày khởi sắc

Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể tại địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, thực hiện các mô hình kinh tế đa cây, đa con cho thu nhập cao. Điển hình như mô hình trồng rau sạch tại thôn Ea Tút và thôn 8; mô hình trồng nấm linh chi tại thôn Tân Lập 2; mô hình nuôi thỏ sinh sản và lấy thịt tại thôn 14, thôn 10 và thôn 15... Từ những mô hình này, thu nhập của người dân không ngừng được cải thiện, cuộc sống ngày càng khá giả.

Ngoài phát triển các mô hình kinh tế, nhân dân xã Pơng Drang còn tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, xã có gần 1.000 hộ kinh doanh cá thể, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Toàn xã có 5 hợp tác xã nông nghiệp và 1 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động hiệu quả, đóng góp nguồn thu ngân sách đáng kể cho xã và huyện.

Không những quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đồng bào các dân tộc xã Pơng Drang còn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đội cồng chiêng duy trì luyện tập, biểu diễn mỗi khi địa phương có lễ hội, lễ cúng bến nước được tổ chức hàng năm.

Bà H’Pin Mlô, Chủ tịch UBND xã Pơng Drang chia sẻ, Pơng Drang bây giờ khác xưa nhiều lắm rồi. Cơ sở hạ tầng khang trang, đời sống của người dân từng ngày khởi sắc. Đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chịu khó học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình. Khi kinh tế ổn định, việc tuyên truyền, vận động bà con tham gia các phong trào tại địa phương cũng thuận lợi hơn, từ việc tự nguyện hiến tài sản, vật chất, ngày công xây dựng đường sá, cơ sở hạ tầng đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Định hướng trong năm 2022, xã Pơng Drang tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm, triển khai nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, đẩy mạnh chương trình hỗ trợ cây giống, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương./.

Hà Linh (t.h)

© Thời báo Tài chính Việt Nam