Vu Lan báo hiếu là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt

10:00 | 06/09/2022 Print
Trong truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc ta, báo hiếu, báo ân tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ là một trong những cảm ơn quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người. Ngày lễ Vu Lan báo hiếu của Phật giáo đã trở thành ngày lễ mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.

Nguồn gốc của ngày lễ Vu Lan

Theo quan niệm của Phật giáo, rằm tháng 7 gắn với lễ Vu Lan, xuất phát từ sự tích về Đại đức Mục Kiền Liên (một trong hai đại đệ tử của Phật Thích Ca) cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Kinh Vu Lan chép rằng, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông đến mức có thể dùng mắt thần nhìn khắp trời đất, ngài thấy mẹ mình đã mất đang ở cõi địa ngục, bị đọa đày và đói khát, khổ sở.

Với lòng hiếu thảo của mình, Mục Kiền Liên đã đem cơm xuống tận địa ngục để dâng mẹ, tuy nhiên do đói lâu ngày nên khi ăn mẹ ông đã dùng một tay che bát cơm của mình, không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.

Sách Bách khoa thư làng Việt cổ truyền (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành, năm 2021), tác giả Bùi Xuân Đính cho rằng, rằm tháng Bảy có sự giao thoa giữa các yếu tố của tín ngưỡng dân gian, Đạo giáo và Phật giáo. Trong đó Phật giáo thể hiện thông qua Vu Lan báo hiếu, nghi lễ này được thực hành tại nhà và ở chùa. Mâm cúng cỗ gia tiên ngoài đồ mặn, đồ chay, còn có đồ mã như tiền, vàng, bạc, ngựa, trang sức… Nhiều địa phương cúng gia tiên có thể tiến hành từ ngày mùng 7 trở đi, không nhất thiết phải cúng vào đúng hôm rằm.

Thấy vậy Mục Kiền Liên liền quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu được mẹ, chỉ có cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó. Làm theo lời Phật, Mục Kiền Liên đã giải thoát cho mẹ. Phật cũng dạy rằng: Chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng nên làm theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.

Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan

Vu Lan là ngày lễ báo hiếu vô cùng cao đẹp của Phật giáo nói riêng và là ngày lễ hội báo hiếu nói chung của mọi người con có hiếu trên thế gian này. Lễ Vu Lan mang một ý nghĩa thật thiêng liêng cao cả, giúp cho con cái ghi nhớ đến công ơn cha mẹ, khơi dậy trong lòng họ một tinh thần báo hiếu đáng quý, đáng trân trọng.

Vu Lan báo hiếu là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt
Ngày lễ Vu Lan báo hiếu là ngày quan trọng với những người theo đạo Phật. Ảnh: T.L

Mùa Vu Lan về mỗi người con càng nỗ lực tinh tấn thực hành hạnh hiếu để báo đáp thâm ân của cha mẹ. Thờ kính cha mẹ đã trở thành một đạo lý sống của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là đạo lý sống của hàng Phật tử khi khẳng định đạo Phật là đạo hiếu.

Một nét đẹp trong ngày Vu lan là chương trình bông hồng cài áo. Trong buổi lễ thiêng liêng ấy, ai còn cha mẹ sẽ sung sướng được cài lên ngực áo một đoá hoa hồng, ai mất mẹ lại buồn tủi cài lên ngực đoá hồng trắng buồn thương. Thế nhưng dù còn cha mẹ hay đã mất thì mỗi người con lúc này đang dâng lên một tình cảm biết ơn mẹ cha sâu lắng, và mỗi người tâm niệm sẽ sống hết lòng với bổn phận làm con hiếu của mình.

Vu Lan báo hiếu là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt
Mâm lễ cúng rằm tháng 7. Ảnh: T.L

Là người Việt Nam, hẳn là ai cũng biết đôi câu lục bát: "Công cha như núi Thái Sơn - Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Công sinh dưỡng của cha mẹ là vô tận. Mỗi người sinh ra và trưởng thành, đối với cha mẹ bao giờ cũng là niềm tự hào, đồng thời là kết quả của những nỗ lực vượt qua bao nhiêu khó khăn vật chất - tinh thần. Công cha - nghĩa mẹ thấm sâu vào mỗi con người, mỗi gia đình, dòng họ, thấm sâu vào nền nếp sinh hoạt của cộng đồng, nên phải ứng xử sao cho xứng đáng.

Tại chùa người ta tổ chức cầu siêu cho người đã khuất, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng... Hiện nay ngoài những nghi lễ truyền thống, vào dịp lễ Vu Lan khi đến chùa người ta sẽ được cài lên áo một bông hoa hồng: màu đỏ tượng trưng cho người còn mẹ và màu trắng cho ai đã mất mẹ.

Là một trong các nguyên tắc của đạo lý sống, trong truyền thống dân tộc, đạo hiếu là thiết thực đối với từng người con, đâu phải chỉ lúc cha mẹ lâm chung, mà chính là những năm tháng cha mẹ còn cũng như lúc yếu đau cần luôn được phụng dưỡng cả vật chất lẫn tinh thần.

Đại đức Thái Trúc Thái Minh - Trụ trì chùa Ba Vàng chia sẻ: "Lễ Vu Lan còn được gọi là lễ Giải đảo huyền, là lễ cứu khổ cái nạn treo ngược trong địa ngục mà nói chung là cứu cái khổ trong địa ngục cho những chúng sinh bị đọa trong địa ngục. Những chúng sinh này khi ở trên dương thế tạo những tội lỗi nặng nề khi chết phải vào địa ngục thì lễ Vu Lan là lễ có ý nghĩa cứu khổ đó và từ đó nó có ý nghĩa là báo hiếu, con cháu báo hiếu ông bà, tổ tiên".

Vì thế từ ngàn xưa, qua lời ru của bà của mẹ, qua điệu hát câu hò, đạo hiếu là bài học đạo đức đầu tiên được truyền lại trong mỗi gia đình và đến ngày nay, văn hóa Việt Nam vẫn bảo lưu, gìn giữ những câu tục ngữ, ca dao khẳng định và bày tỏ lòng thành kính với bậc sinh thành: "Lên non mới biết non cao - Nuôi con mới biết công lao mẫu từ", "Bao giờ cá lý hóa long - Ðền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa", "Thờ cha mẹ, ở hết lòng - ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường", "Mẹ già ở tấm lều tranh - Sớm thăm, tối viếng mới đành dạ con", "Chiều chiều ra đứng ngõ sau - Ngó về quê mẹ, ruột đau chín chiều",.../.

Tài Tâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam