Thu hút nguồn lực của đồng bào tôn giáo để xây dựng quê hương

15:02 | 07/09/2022 Print
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở nhiều địa phương, như Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, ... đồng bào tôn giáo đã tự nguyện đóng góp hàng trăm tỷ đồng và hàng trăm nghìn ngày công, hiến đất, hiến nguyên vật liệu làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, khu vui chơi, sinh hoạt văn hóa, thể thao,... góp phần xây dựng quê hương ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Thu hút nguồn lực của đồng bào tôn giáo để xây dựng quê hương
Ảnh minh họa.

Giá trị nhân văn và hướng thiện

Với truyền thống “hộ quốc, an dân”, đa số đồng bào theo tôn giáo đồng hành cùng dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Phật giáo hơn 2.000 năm có mặt tại Việt Nam với phương châm nhập thế “Đạo pháp bất ly thế gian pháp” đã phát huy giá trị văn hóa Phật giáo trong xã hội Việt Nam qua các thời kỳ. Đạo đức, văn hóa Phật giáo đã làm sâu sắc và phong phú thêm các giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam, như quan niệm về tinh thần từ bi, hỉ xả, vô ngã vị tha, lục hòa cộng trụ hay về luật nhân quả.

Giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong giáo lý của Công giáo, Tin lành được thể hiện ở 10 điều răn, trong đó có 3 điều nói về Thiên Chúa và 7 điều khuyên răn về đạo đức làm người đã góp phần bồi dưỡng đạo đức, văn hóa cá nhân cũng như xã hội.

Tự bản thân các tôn giáo đều chứa đựng những giá trị nhân văn và hướng thiện, hướng con người đến lối sống vị tha, bình đẳng, bác ái. Tôn giáo khuyên bảo tín đồ cấm sát sinh là tránh đi việc chết chóc, bạo lực, xung đột, chiến tranh; không trộm cắp, không nói dối là giáo dục tín đồ ngay thẳng trong làm ăn, phát triển kinh tế, không gian tham đến tài sản người khác để hạn chế nguồn gốc của mâu thuẫn xã hội... Khi con người/tín đồ tránh được những điều xấu và tu tập những điều tốt thì không chỉ có được con người tốt, mà cả cộng đồng tốt và xã hội đều tốt. Điều đó góp phần tạo nên sự bền vững trong phát triển hệ giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc.

Chức sắc, chức việc các tôn giáo ở Việt Nam rất đông đảo, đây là lực lượng có đóng góp đáng kể trong việc phát triển văn hóa - xã hội, phong trào nông thôn mới, phát triển văn hóa cơ sở, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh hệ thống triết lý sâu sắc, các tôn giáo còn đóng góp vào văn hóa dân tộc bằng những công trình mang những giá trị nhân văn sâu sắc, như kiến trúc, hội họa, điêu khắc. Phật giáo đã góp phần làm nên các công trình mỹ thuật đặc sắc, như chùa, tháp, tượng Việt Nam. Việc hội nhập phong cách, kiến trúc phương Tây của Công giáo, Hồi giáo đã góp phần giao thoa và hội nhập văn hóa dân tộc. Kinh thánh, kinh phật và các giáo lý tôn giáo là kho tàng văn hóa, lịch sử rất phong phú cần được khai thác, cùng với lịch sử văn hóa dân tộc; sự ra đời và phát triển các tờ báo tôn giáo đã góp phần truyền tải giá trị tôn giáo và giá trị văn hóa dân tộc, làm cho văn hóa tôn giáo gần gũi, quen thuộc hơn với văn hóa Việt Nam và ngược lại, văn hóa Việt Nam được diễn tả trong các lễ nghi đặc sắc tôn giáo.

Đóng góp hàng trăm tỷ đồng để xây dựng quê hương

Những giá trị đạo đức, văn hóa và nguồn lực của tôn giáo ở Việt Nam
Nghi lễ, thực hành niềm tin tôn giáo là phương cách mang mọi người đến gần với nhau hơn.

Việc thực hành nghi lễ tôn giáo đã góp phần tạo lập và đoàn kết cộng đồng tín đồ. Các nghi lễ, thực hành niềm tin tôn giáo là phương cách mang mọi người đến gần với nhau hơn, ở đó giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo, dân tộc được giao lưu, trao truyền thường xuyên hơn. Bởi, tôn giáo nào cũng đều khuyên răn con người hướng thiện, hướng đến cái tốt đẹp, hướng đến đạo lý làm người, có trách nhiệm với bản thân và gia đình, biết sống vì cộng đồng. Việc thực hành nghi lễ tôn giáo góp phần tạo lập sự đoàn kết và đồng thuận xã hội. Niềm tin tôn giáo tích cực đã tác động đến hành vi, đạo đức ứng xử của mỗi tín đồ và cộng đồng tôn giáo. Sự gắn kết chặt chẽ những người cùng đức tin luôn có sức sống bền vững và lan tỏa ra cộng đồng, tạo nên những mối tương quan trong quan hệ xã hội, góp phần đồng thuận, tiến bộ xã hội.

Các tôn giáo đã thể hiện giá trị đạo đức, văn hóa trong triết lý, giáo lý của mình trong thực tiễn bằng việc thực hiện tốt các phong trào do các bộ, ngành và các địa phương phát động, như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư, “Xây dựng chùa cảnh tinh tấn, gương mẫu”, “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, hay các phong trào phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống mới trong việc hiếu, hỉ và lễ hội, xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước của thôn xóm, khu dân cư... Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở nhiều địa phương, như Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Cà Mau,... đồng bào tôn giáo đã tự nguyện đóng góp hàng trăm tỷ đồng và hàng trăm nghìn ngày công, hiến đất, hiến nguyên vật liệu làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, khu vui chơi, sinh hoạt văn hóa, thể thao,... góp phần xây dựng quê hương ngày càng khang trang, sạch đẹp. Nhiều lớp học tình thương, trường, lớp mầm non do các chức sắc, nhà tu hành và các tổ chức tôn giáo thành lập đã và đang có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và ngày càng được tín nhiệm trong xã hội. Nhiều phòng khám, chữa bệnh của các tôn giáo đã và đang hoạt động hiệu quả, góp phần cùng Nhà nước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Các hoạt động từ thiện xã hội được đông đảo chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo tích cực thực hiện dưới nhiều hình thức, như hỗ trợ vốn sản xuất, mở trường, lớp tình thương, xây dựng trung tâm bảo trợ xã hội, cấp học bổng, khám chữa bệnh, hỗ trợ thiên tai, hiến máu, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn…

Khơi dậy nguồn lực và phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức

Có thể nói, giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo rất rộng và ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Việc khơi dậy nguồn lực và phát huy các giá trị đó không chỉ giúp đồng bào theo tôn giáo bảo vệ niềm tin, định hướng mục tiêu sống cho nhiều người, mà còn góp phần làm giàu thêm đạo đức, văn hóa dân tộc.

Thu Hà (t/h)

© Thời báo Tài chính Việt Nam