Vốn ưu đãi giúp bà con dân tộc thiểu số Cao Bằng thoát nghèo

00:00 | 18/09/2022 Print
Cao Bằng có diện tích 6.700 km2, dân số trên 50 vạn người trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 95% dân số. Nơi đây từng là địa phương nhiều năm liền phải đối mặt với tình trạng kinh tế - xã hội chậm phát triển, bế tắc trong các kế sách xóa đói giảm nghèo.
Vốn ưu đãi giúp bà con dân tộc thiểu số Cao Bằng thoát nghèo
Nhiều hộ nghèo ở xóm Bản Moỏng, xã Đình Phùng huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) được vay vốn ưu đãi để chăn nuôi.

Trên 9.700 tỷ đồng vốn ưu đãi đến tay người thụ hưởng

Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Cao Bằng đã tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện sinh kế cho người dân. Đồng hành với mục tiêu chung của tỉnh, vốn tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) tiếp tục phát huy vai trò là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho hộ nghèo và đối tượng chính sách.

Để phù hợp với tình hình thực tiễn, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, quản lý và triển khai hiệu quả các chương trình cho vay nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Cùng với việc phát triển mạng lưới, đổi mới mô hình hoạt động thì việc huy động vốn được Chi nhánh NHCSXH tỉnh đặc biệt coi trọng. Tổng nguồn vốn TDCSXH toàn tỉnh hiện đạt 3.235,7 tỷ đồng, tăng 3.138,3 tỷ đồng so với năm 2002, bình quân tăng 156,9 tỷ đồng/năm. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 2.705,9 tỷ đồng, chiếm 83,62%/tổng nguồn vốn; nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 77,1 tỷ đồng; nguồn vốn huy động của tổ chức, cá nhân đạt 452,7 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam, trong 2 năm gần đây, chi nhánh NHCSXH tỉnh chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương nỗ lực đổi mới cách thức huy động vốn, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia gửi tiền tiết kiệm qua NHCSXH, tạo nguồn vốn ổn định đáp ứng nhu cầu cho vay. Riêng năm 2022, huy động tiền gửi tiết kiệm đạt trên 40 tỷ đồng.

Tổng dư nợ 18 chương trình cho vay đạt 3.228 tỷ đồng với 56.554 hộ dư nợ, bình quân đạt 57 triệu đồng/khách hàng. Trong đó, dư nợ tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đạt 1.310,4 tỷ đồng với 24.180 khách hàng còn dư nợ; dư nợ tập trung ở một số chương trình tín dụng chủ yếu, như: cho vay hộ nghèo chiếm tỷ trọng 41,84%, cho vay hộ cận nghèo chiếm 20,34%, cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 13,95%; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm 10,98%; các chương trình còn lại chiếm 12,89%.

Sau 20 năm đi vào hoạt động, với chính sách ưu đãi hợp lòng dân, công tác chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự tận tâm của hệ thống cán bộ tín dụng, TDCSXH trở thành nguồn lực đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) của tỉnh; tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới gắn với sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đến nay, thông qua hoạt động nhận ủy thác của 4 tổ chức chính trị - xã hội, 161 điểm giao dịch xã, 2.162 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại 1.462 thôn, tổ dân phố với tổng số 56.424 thành viên đã giúp chuyển tải trên 9.700 tỷ đồng vốn ưu đãi của Nhà nước đến tay người thụ hưởng, tạo hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội to lớn.

Nhiều gia đình có thu nhập ổn định nhờ tiếp cận vốn

Vốn ưu đãi giúp bà con dân tộc thiểu số Cao Bằng thoát nghèo
Một vườn thanh lòng được trồng ở huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).

Đến nay, nguồn vốn TDCSXH đã giúp trên 421.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh vay vốn phát triển sản xuất; giải quyết việc làm cho trên 25.000 lao động; hỗ trợ trên 2.000 người được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng trên 61.500 công trình vệ sinh và nước sạch; hỗ trợ trên 22.300 học sinh, sinh viên được học tập tại các trường đại học, cao đẳng; hỗ trợ trên 400 học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; hỗ trợ xây dựng trên 8.100 căn nhà cho hộ nghèo, xây dựng trên 200 căn nhà cho hộ gia đình có thu nhập thấp theo Nghị định số 100 và Nghị định số 49 của Chính phủ.

Bà Bế Thị Hoa, xóm Nà Chang, xã Đức Xuân (Thạch An) chia sẻ: Năm 2018, tôi vay 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH. Với số tiền trên, tôi đầu tư trồng 500 cây ổi lai giống Đài Loan, 80 cây cóc bao tử, 60 cây bưởi da xanh và vài chục cây trám đen. Do chăm sóc theo quy trình kỹ thuật từ khâu làm cỏ, xới gốc, bón phân, cắt tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh nên năm nay vườn cây được mùa, sai quả. Qua 4 năm trồng cây ăn quả, gia đình có thu nhập ổn định, ổi chính vụ cho quả to, vỏ bóng, vị giòn, ngọt và ít hạt, năng suất đạt từ 15 - 35 kg quả/cây/năm. Năm được giá, gia đình thu về trên 80 triệu đồng. Ngoài ra, trong quá trình vay vốn, gia đình tôi được cán bộ tín dụng tư vấn cách sử dụng nguồn vốn hiệu quả, thủ tục vay đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện.

Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Nguyễn Thị Phương cho biết: Bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và NHCSXH Việt Nam, thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Cao Bằng tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả, chất lượng các chương trình TDCSXH, đảm bảo nguồn vốn được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích và hoàn trả đầy đủ khi đến hạn. Chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện 11 nhóm giải pháp đột phá về nâng cao chất lượng hoạt động TDCSXH trên địa bàn với mục tiêu tập trung các nguồn lực cho hoạt động TDCSXH theo hướng phát triển ổn định, bền vững; đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.

Phấn đấu tăng trưởng tín dụng hàng năm đạt từ 8 - 10%

Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng tín dụng hàng năm đạt từ 8 - 10%; đến năm 2025, nguồn vốn ngân sách địa phương chiếm tỷ trọng từ 5% trở lên trong tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh; giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 0,11%/tổng dư nợ; 100% xã, phường, thị trấn xếp loại chất lượng tín dụng đạt từ khá trở lên, trong đó có trên 90% xã, phường, thị trấn xếp loại tốt; 100% phòng giao dịch huyện xếp loại chất lượng hoạt động tín dụng đạt loại tốt…

Thu Dung (t.h)

© Thời báo Tài chính Việt Nam