An Giang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

22:22 | 14/09/2022 Print
UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của vùng, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
An Giang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều mô hình sản xuất được triển khai trong đồng bào dân tộc thiểu số để hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Ảnh: T.L

Xây dựng cơ chế để đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững

Để đạt được các mục tiêu, thời gian tới An Giang sẽ xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng, đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hướng tới phát triển bền vững và thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Về phát triển nguồn nhân lực, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh sẽ ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao để làm đầu mối dẫn dắt, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong tổ chức sản xuất, quản lý xã hội; phát triển nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, kết hợp với phát huy các tri thức bản địa và kinh nghiệm sống, sản xuất của đồng bào trong phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn xã hội.

“An Giang sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y tế, dân số có chất lượng cho đồng bào; giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Trần Anh Thư cho biết.

Tỉnh An Giang sẽ có cơ chế để phụ nữ người dân tộc thiểu số tiếp cận tốt hơn dịch vụ công, dịch vụ xã hội thiết yếu và các dịch vụ tư vấn về hôn nhân, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ phụ nữ, trẻ em; phát triển đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 3 - 4%/năm

Theo kế hoạch, đến năm 2025, An Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 3-4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2021-2025; có 100% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

Đến năm 2030, thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả tỉnh; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%. Cơ bản không còn các xã, ấp đặc biệt khó khăn; trên 90% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.

An Giang sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100%, học sinh Tiểu học đi học đúng độ tuổi đạt 100%, học sinh Trung học Cơ sở đi học đúng độ tuổi đạt trên 90%, học sinh Trung học Phổ thông đi học đúng độ tuổi đạt 90%; đồng bào dân tộc thiểu số từ 15 - 60 tuổi đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 90%.

Đặc biệt, đến năm 2025, trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số tại An Giang tham gia bảo hiểm y tế; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

An Giang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Ảnh minh họa

Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hằng năm thu hút 3% lao động sang làm việc các ngành, nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ; 40% lao động người dân tộc thiểu số biết làm các ngành nghề như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ.

Cuối năm 2030, có 40% lao động người dân tộc thiểu số ở An Giang biết làm các ngành nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ. Tỉnh xóa tình trạng nhà ở đơn sơ, nhà thiếu kiên cố; ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái và giải quyết căn bản tình trạng di cư không theo kế hoạch trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Tầm nhìn đến năm 2045, An Giang cơ bản không còn hộ nghèo; người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản. Các xã, ấp, khu phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đủ kết cấu hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

Toàn tỉnh An Giang hiện có 29 dân tộc sinh sống. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số còn 28 dân tộc thiểu số với 119.219 người, 28.481 hộ, chiếm 5,26% dân số toàn tỉnh./.

Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 7%/năm

Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 7%/năm; năng suất lao động xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tăng bình quân 6,5%/năm; thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số bằng ½ bình quân chung của cả tỉnh; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%. Cơ bản không còn các xã, ấp đặc biệt khó khăn; trên 90% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới; Chỉ số phát triển con người là người dân tộc thiểu số thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (HDI) đạt trên 0,69.

Anh Tuấn (t/h)

© Thời báo Tài chính Việt Nam