Tạo sức bật cho đồng bào nghèo vùng dân tộc thiểu số huyện Đồng Phú

17:41 | 20/09/2022 Print
Là huyện còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện giảm nghèo bền vững, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) đã và đang trở thành điểm sáng trong thực hiện chương trình.
Tạo sức bật cho đồng bào nghèo vùng dân tộc thiểu số huyện Đồng Phú
Nhờ các nguồn lực xây dựng giao thông nông thôn góp phần xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Phước. Ảnh: TL

Tiếp sức để đồng bào thoát nghèo

Thực hiện chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) đã tập trung rà soát, phúc tra nhu cầu của đồng bào từ nhà, đất ở, nước sinh hoạt, vốn sản xuất, con giống, đào tạo nghề đến phương tiện sản xuất... sát thực tiễn để chính sách hỗ trợ thực sự mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhiều năm trước, gia đình anh Điểu Thành, ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi sống trong tình cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Mẹ anh thường xuyên đau ốm, thu nhập ít ỏi từ việc làm thuê của anh không đủ để trang trải cuộc sống. Vì vậy, hộ anh mãi không thoát cảnh nghèo khó. Năm 2021, gia đình anh Thành được Nhà nước hỗ trợ 102,5 triệu đồng xây nhà, đào giếng, kéo điện, mua tivi. Anh Thành vui mừng cho biết: Giờ đây, chi phí cuộc sống gia đình tôi đã ổn định, có nhà ở, có điện sinh hoạt và có tivi để xem tin tức hàng ngày…

Sau 3 năm thực hiện chương trình, mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Phước, đến nay toàn huyện Đồng Phú giảm được 155 hộ. Trong đó năm 2019 giảm 94 hộ, chỉ tiêu tỉnh giao 80 hộ, đạt 110%; năm 2020 giảm 54 hộ, chỉ tiêu tỉnh giao 50 hộ, đạt 108%; năm 2021 giảm 7 hộ, chỉ tiêu tỉnh giao 7 hộ, đạt 100%.

Gia đình anh Điểu Bình ở ấp 6, xã Đồng Tiến cũng được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với hộ nghèo DTTS. Trước đây là hộ nghèo, vợ chồng anh cố gắng lao động để cải thiện cuộc sống nhưng do không thực hiện tốt chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình nên 5 người con của anh lần lượt chào đời, vì vậy kinh tế càng khó khăn. Năm 2020, gia đình anh được hỗ trợ xây nhà vệ sinh, kéo điện, hỗ trợ phương tiện nghe nhìn. Anh Bình cho biết: Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và mọi người mà đến nay gia đình tôi đã thoát cảnh nghèo khó. Giờ vợ chồng tôi vẫn đi cạo mủ cao su thuê, cuộc sống đỡ hơn nhiều rồi. Tôi chỉ mong có nhiều sức khỏe để lao động, sản xuất lo cho các con.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ sự cần mẫn của cán bộ

Tạo sức bật cho đồng bào nghèo vùng dân tộc thiểu số huyện Đồng Phú
Nhiều hộ dân tộc thiểu số ở huyện Đồng Phú thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò thịt. Ảnh: TL

Cùng với gia đình anh Thành, anh Bình, nhiều hộ nghèo DTTS ở huyện Đồng Phú không chỉ được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ xây nhà ở mà còn tạo điều kiện vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ, huyện Đồng Phú phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm làm ăn cho hộ nghèo. Các chính sách, dự án về giảm nghèo được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Người nghèo ngày càng được tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội như: y tế, giáo dục, văn hóa, tín dụng…

Sau 3 năm thực hiện chương trình mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS của tỉnh, đến nay toàn huyện giảm được 155 hộ, trong đó năm 2019 giảm 94 hộ, chỉ tiêu tỉnh giao 80 hộ, đạt 110%; năm 2020 giảm 54 hộ, chỉ tiêu tỉnh giao 50 hộ, đạt 108%; năm 2021 giảm 7 hộ, chỉ tiêu tỉnh giao 7 hộ, đạt 100%.

Để đạt kết quả này, trong 3 năm, huyện tập trung rà soát các chỉ số thiếu hụt để hỗ trợ theo đúng nhu cầu của từng hộ. Cụ thể: xây mới 16 nhà đại đoàn kết và sửa chữa 27 căn; xây nhà vệ sinh cho 84 hộ; đào, khoan giếng cho 31 hộ; hỗ trợ kéo điện lưới, lắp hệ thống điện mặt trời phục vụ sinh hoạt cho 37 hộ; hỗ trợ tivi 49 hộ; hỗ trợ bò giống cho 35 hộ. Đồng thời hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 36 hộ với tổng vốn hơn 1,6 tỷ đồng và hỗ trợ một số vật dụng như máy cưa, bồn đựng nước.

Cùng với việc chăm lo ổn định đời sống kinh tế, UBND huyện Đồng Phú cũng quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách về giáo dục, y tế, văn hóa, pháp luật, chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Song song đó, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xóa bỏ tập quán lạc hậu, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh.

Những chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đang triển khai không chỉ mang lại sự đổi thay rõ rệt, nâng cao mức sống của người dân mà còn tạo sức bật, động lực phát triển vùng DTTS trên địa bàn huyện Đồng Phú.

Kinh tế trang trại phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện hiện có khoảng 74 trang trại, thu nhập bình quân đạt từ 700 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/trang trại/năm. Huyện còn thực hiện tốt các chính sách về đất đai, tín dụng ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Huyện đang quy hoạch khoảng 2.785 ha để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có 524 ha trồng cây ăn trái tại xã Tân Lập; 661 ha trồng cây ăn trái và cây dược liệu tại vùng ven hồ Suối Giai, 1.600 ha xây dựng Công viên nông nghiệp công nghệ cao cạnh hồ Suối Lam.

Thu Dung (t/h)

© Thời báo Tài chính Việt Nam