Đoàn kết tôn giáo góp phần tích cực vào thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc

14:58 | 23/09/2022 Print
Theo Báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước và đại đoàn kết dân tộc, sống “tốt đời đẹp đạo”, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đoàn kết tôn giáo góp phần tích cực vào thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc
Công tác dân tộc tôn giáo thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển. (Ảnh: TL)

Các tôn giáo chung sống hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam

Tính đến nay, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với khoảng 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, trong đó có trên 54 nghìn chức sắc, trên 135 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã xây dựng và duy trì đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành đoàn thể phát động...

Bên cạnh đó, hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo, trong đó phần đông tín đồ trong độ tuổi lao động chính là lực lượng sản xuất đông đảo tham gia vào tất cả các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, đã và đang trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội, cùng với các thành phần xã hội khác đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào có đạo biết cách làm giàu, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Hiến pháp năm 2013 của Nhà nước Việt Nam khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền cơ bản của con người. Đặc biệt, Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.

Các tôn giáo chung sống hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, quần chúng tín đồ các tôn giáo tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm bình đẳng giữa các tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Đoàn kết tôn giáo góp phần tích cực vào thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc
Đoàn kết tôn giáo góp phần tích cực vào thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc. (Ảnh: TL)

Thời gian qua, các tổ chức tôn giáo luôn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội với những mô hình cụ thể, như: trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật; đào tạo lao động nông thôn; phòng thuốc phước thiện, xe cứu thương miễn phí; xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; xây cầu, làm đường nông thôn... góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm lo cho người có công và giúp đỡ người nghèo, người yếu thế trong xã hội “để không ai bị bỏ lại phía sau”.

Trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, các tổ chức tôn giáo tích cực hướng dẫn chức sắc, tín đồ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; chủ động hoãn, hủy, tạm dừng nhiều hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở thờ tự… Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo đã tích cực đóng góp các nguồn lực và chung tay với các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, như trên 3.000 tình nguyện viên tôn giáo tham gia tuyến đầu chống dịch; ủng hộ hàng chục tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng Covid-19 của Chính phủ và hàng trăm tỷ đồng cho Quỹ phòng, chống Covid-19 ở Trung ương và địa phương; hỗ trợ hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các vùng dịch cùng hàng triệu suất ăn miễn phí cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân có hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá hàng nghìn tỷ đồng…

Các tôn giáo tiếp tục hành động góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thu Hà (t.h)

© Thời báo Tài chính Việt Nam