Gia Lai: Đồng bào các tôn giáo vượt khó phát triển kinh tế

16:32 | 26/09/2022 Print
Thời gian qua, đồng bào các tôn giáo cùng với nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn để cùng nhau thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước và đạt được những kết quả quan trọng. Từ đó, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Gia Lai ngày càng vững mạnh.
Gia Lai: Đồng bào các tôn giáo vượt khó phát triển kinh tế
Đồng bào Công giáo tỉnh Gia Lai đã có rất nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng tỉnh Gia Lai phát triển. Ảnh: TL

Đảm bảo an sinh xã hội, tạo nguồn lực giảm nghèo bền vững

Hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp phát động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đã được các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc và tín đồ trong các tôn giáo trong tỉnh tích cực hưởng ứng, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Gia Lai hiện có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 46% và 5 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Baha’i., chiếm 28% dân số toàn tỉnh.

Trong năm 2021, chức sắc các tôn giáo cùng với các tín đồ và các tập thể, cá nhân hảo tâm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ủng hộ trên 9,5 tỷ đồng; từ nguồn tiền ủng hộ đã tiếp nhận, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp triển khai xây mới 149 căn nhà “Đại đoàn kết”, sửa chữa 71 căn nhà; hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, khám chữa bệnh, học sinh học tập và chăm lo cho người nghèo và các gia đình chính sách nhân dịp lễ, tết. Góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương; tạo nguồn lực giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đến nay, toàn tỉnh có 87 xã và 95 thôn, làng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19, các tổ chức và chức sắc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động, tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở tôn giáo, gia đình, khu dân cư; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như vận động ủng hộ Quỹ vắc-xin với số tiền trên 175 triệu đồng; ủng hộ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ nghèo, các hộ khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… với số tiền trên 8,5 tỷ đồng; vận động các cơ sở thờ tự, tín đồ các tôn giáo ủng hộ rau, củ, quả cho người dân TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng trị giá trên 800 triệu đồng.

Phát huy các kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh Gia Lai tiếp tục đề ra những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục tăng cường, mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo. Tuyên truyền sâu rộng phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo, phát huy tinh thần bác ái, yêu thương bằng những hành động cụ thể trong lao động sản xuất, học tập,… Triển khai sâu rộng trong đồng bào Công giáo nội dung các phong trào thi đua. Tăng cường đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững,...

Nhiều tấm gương tiêu biểu

Gia Lai: Đồng bào các tôn giáo vượt khó phát triển kinh tế
Trưởng thôn Yôh (bên phải) là một tấm gương sống tốt đời đẹp đạo của làng A Lao (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, Gia Lai). Ảnh: TL

Tại xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, Trưởng thôn Yôh, tín đồ đạo Tin Lành ở làng Alao là một tấm gương trẻ sống tốt đời đẹp đạo tiêu biểu tại địa phương. Với vai trò Trưởng thôn, anh thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tin, nghe theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trưởng thôn Yôh cho biết: Để góp phần làm tăng khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, chính quyền thôn thường xuyên tổ chức các cuộc họp để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con. Kịp thời phản ánh, tham mưu cho UBND xã giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân; trực tiếp tham gia vào việc giải quyết những mâu thuẫn, bức xúc của bà con, qua đó vận động bà con tích cực sản xuất phát triển kinh tế gia đình.

Ngoài những tấm gương giỏi tuyên truyền, vận động như Trưởng thôn Yôh, trong công cuộc phát triển kinh tế hướng đến xóa đói giảm nghèo, tỉnh Gia Lai cũng có nhiều tấm gương phát triển kinh tế giỏi, vươn lên từ khó khăn. Tiêu biểu như ông Hnhrao, giáo dân tiêu biểu làng Kon Rơng Dram (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa). Từ chỗ là hộ nghèo, đến nay, gia đình ông hiện có 6 sào lúa ruộng, 2 ha cây keo lao, 4 con trâu và 10 con heo thịt. Ngoài ra, ông còn phối hợp với Công ty Hoàng Kim Tây Nguyên vận động và hướng dẫn 30 hộ dân tại làng trồng 30 ha keo lai, hiện cây đang sinh trưởng và phát triển tốt đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân trên địa bàn. Tương tự, Ông Ra Lan Yơk, Trưởng ban chức việc giáo xứ Phao Lô, xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) cũng có thu nhập 170 triệu đồng/năm từ diện tích 1 ha cà phê, 4 sào lúa nước, 3 sào mỳ (sắn)…

Cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, đồng bào Công giáo trên toàn tỉnh Gia Lai cũng thực hiện rất tốt các phong trào như: Phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Phong trào đoàn kết đẹp trong bác ái yêu thương; Phong trào đoàn kết đẹp trong nếp sống đạo…

Hà Dung (t.h)

© Thời báo Tài chính Việt Nam