Đa dạng cách làm giúp đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền Trung thoát nghèo

12:40 | 08/11/2022 Print
Thiên tai khắc nghiệt quanh năm đã làm cho cuộc sống của đồng bào dân tộc các tỉnh miền Trung đã nghèo càng nghèo hơn. Tuy nhiên, với các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cùng với ý chí vươn lên, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã có nhiều khởi sắc.

Nhiều mô hình sinh kế tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con

Để tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giảm nhanh và bền vững, các địa phương ở miền Trung đã đa dạng phương thức giúp đồng bào thoát nghèo. Trong đó xác định, công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức, nâng cao tính tự lực tự cường của chính bà con là quan trọng nhất, cùng với đó là sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ, đảng viên và của những hộ biết làm kinh tế hiệu quả trước chia sẻ cho người muốn học...

Đa dạng cách làm giúp đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền Trung thoát nghèo
Trồng và khai thác mủ cây cao su là một trong những cách làm giúp đồng bào DTTS Vân Kiều thoát nghèo. Ảnh TL minh họa

Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực cán bộ ở cơ sở trong việc lãnh đạo công tác giảm nghèo đã được triển khai ở nhiều tỉnh trong khu vực miền Trung. Đặc biệt, cán bộ làm công tác giảm nghèo tại các tỉnh này không kiêm nhiệm mà đã dành toàn bộ thời gian tâm huyết, để cùng đồng bào nỗ lực lao động sản xuất giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, cuộc sống và thu nhập bình quân đầu người ở các huyện, xã có đông đồng bào DTTS đã được nâng cao chất lượng lên rất nhiều.

Tỉnh Quảng Nam hiện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với hơn 140 nghìn người, chiếm 9,4% tổng dân số toàn tỉnh, gồm các dân tộc: Cơ Tu, Xơ Ðăng, Giẻ-Triêng,... Ðời sống nhân dân nơi đây còn nhiều khó khăn, hệ thống kết cấu hạ tầng còn tạm bợ.

Để phát triển kinh tế - xã hội giúp bà con thoát nghèo, tỉnh Quảng Nam đã đề ra nhiều chính sách phát triển kinh tế vùng miền núi và thu được nhiều kết quả đáng kể. Đơn cử như giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư hơn 9.350 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng và các mô hình kinh tế. Thông qua việc sắp xếp bố trí dân cư và phát triển sản xuất đã góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước thay đổi phương thức sản xuất, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Cán bộ làm công tác giảm nghèo tại các tỉnh miền Trung không kiêm nhiệm mà đã dành toàn bộ thời gian tâm huyết, để cùng đồng bào nỗ lực lao động sản xuất giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, cuộc sống và thu nhập bình quân đầu người ở các huyện, xã có đông đồng bào DTTS đã được nâng cao chất lượng lên rất nhiều.

Hay như xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình hiện có đông đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Với 1 vùng đất khó khăn và giao thông cách trở, Ngân Thủy đã trở thành 1 xã nghèo trong suốt thời gian dài. Tuy nhiên, nhờ biết phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng đất, hiện Ngân Thủy đang là điểm sáng về xóa đói giảm nghèo của huyện Lệ Thủy nói riêng và của tỉnh Quảng Bình nói chung.

Theo đó, với thế mạnh của vùng đất có nhiều hang, suối, đồng cỏ rất đẹp, là điểm đến của nhiều người yêu thích trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã hướng dẫn đồng bào Vân Kiều ở cách phục vụ du lịch, dịch vụ để có thêm nguồn thu nhập…

Đa dạng cách phát triển kinh tế để chiến thắng “giặc nghèo”

Mặc dù đời sống của bà con DTTS đã được cải thiện và nâng cao về chất lượng, tuy nhiên, công tác giảm nghèo bền vững ở vùng miền núi các tỉnh miền Trung vẫn còn những hạn chế nhất định. Tỷ lệ hộ nghèo tại các tỉnh này vẫn còn chiếm tỷ lệ khá lớn. Đơn cử như tại Quảng Bình, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS chiếm 69,52% và tỉnh Quảng Trị là 69%.

Đa dạng cách làm giúp đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền Trung thoát nghèo
Nhiều mô hình làm kinh tế hay đã được áp dụng gúp đồng bào DTTS tại các tỉnh miền Trung có cuộc sống ấm no hơn. Ảnh TL minh họa.

Nguyên nhân được chỉ ra là do đồng bào DTTS sinh sống dọc theo dãy Trường Sơn, nên địa hình dốc, ít đất sản xuất, đường giao thông khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tại các vùng đồng bào DTTS sinh sống vẫn còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu, ý thức tự vươn lên của một bộ phận người dân chưa cao; việc tiếp cận thông tin còn chậm, ứng dụng kỹ thuật mới vào công việc còn hạn chế. Đặc biệt, tại miền Trung, thiên tai hàng năm với những “lũ chồng lũ” đã ảnh hưởng rất nặng nề đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội và kết quả giảm nghèo của từng địa phương. Vì thế cùng với việc tái nghèo, sau thiên tai, nhiều địa phương tại miền Trung còn phát sinh nhiều hộ nghèo mới.

Ðể từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đồng bào DTTS, các tỉnh miền Trung đã có nhiều giải pháp sát, đúng với thực tiễn của từng địa phương trên cơ sở lồng ghép, huy động các nguồn lực cho công tác này.

Tại Quảng Bình đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào tháng 5 vừa qua. Tại hội nghị, tỉnh Quảng Bình đã nhấn mạnh 7 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện, trong đó tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy thế mạnh của địa phương, phù hợp với văn hóa, tập quán từng dân tộc; hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo sản phẩm đặc sản, giá trị cao.

Ðể từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đồng bào DTTS, các tỉnh miền Trung đã có nhiều giải pháp sát, đúng với thực tiễn của từng địa phương trên cơ sở lồng ghép, huy động các nguồn lực cho công tác này.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Quảng Bình đang tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho người dân; đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án định cư mới gắn với quy hoạch nông thôn mới; tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, không gian sinh sống của đồng bào. Tỉnh ưu tiên nguồn lực nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, công trình thủy lợi, các thiết chế phục vụ sinh hoạt cho đồng bào.

Tương tự, tỉnh Quang Trị triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, trong đó dành sự ưu tiên kết nối các tuyến đường giao thông từ trung tâm xã đến thôn bản, tuyến đường liên kết với vùng sản xuất nông, lâm nghiệp; xây dựng và khai thác tốt các công trình nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân.

Tại Quảng Nam, lãnh đạo địa phương đã đưa ra mục tiêu thực hiện tốt 5 nhóm dự án quan trọng: Bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế rừng và lâm sản ngoài gỗ; tiếp tục tập trung thực hiện bố trí, sắp xếp dân cư, ổn định chỗ ở, sản xuất; phòng tránh thiên tai và biển đổi khí hậu gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới; đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung đẩy mạnh việc chỉnh trang, cải tạo vườn tạp, rà soát và bố trí các loài cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị, chăn nuôi an toàn sinh học; tăng cường bảo tồn, phát triển các ngành nghề truyền thống, gắn phát triển làng nghề với du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, du lịch vùng sâm, vùng dược liệu…/.

Tô Ngọc

© Thời báo Tài chính Việt Nam