Thông qua du lịch để tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số

21:00 | 02/12/2022 Print
Những năm gần đây, việc phát triển du lịch gắn với xây dựng các sản phẩm vùng miền phục vụ du lịch được đặc biệt chú trọng, nhất là tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó không chỉ giúp bà con ổn định thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá được truyền thống văn hoá đặc sắc của các địa phương và thu hút nhiều lượt khách đến tham quan du lịch, tiêu thụ hàng hóa.

Nông nghiệp và du lịch có sự gắn kết khá rõ rệt

Trao đổi về chủ đề nêu trên tại tọa đàm "Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua phát triển văn hoá - du lịch" vừa tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chia sẻ, sự liên kết trong phát triển du lịch và nông nghiệp giúp cho việc quảng bá văn hóa cũng như sản phẩm hàng hóa vùng miền được mạnh mẽ hơn. Rõ ràng sự kết hợp giữa văn hóa và du lịch đã tạo ra sự đa dạng hóa cho chính ngành du lịch, đó là văn hóa du lịch, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa, du lịch khám phá và cũng như các hình thức du lịch sinh thái khác.

TS. Nguyễn Minh Phong: Việt Nam là một cường quốc nông nghiệp và Việt Nam cũng là một cường quốc du lịch, rõ ràng là hai lĩnh vực này đều là cường quốc thì việc kết hợp giữa hai điểm với nhau sẽ giúp cho cả hai thế mạnh đó nó được tôn vinh lên. Đồng thời tạo ra hiệu quả kết nối, cũng như là hiệu quả kinh tế - xã hội cho các hoạt động này cũng cao hơn.

“Thực tế thời gian qua cho thấy, sự kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch, đặc biệt là ở những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa trong thời gian gần đây đang có sự gắn kết khá rõ rệt. Nếu như trước đây chúng ta nghĩ rằng, chỉ có du lịch kết hợp với nông nghiệp phổ biến ở những vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là những vựa trái cây lớn thì đến hiện nay, tại Tây Bắc, miền Trung đã dần xuất hiện những hình thức đi du lịch ở những nông trường, trang trại, khu vực có những sản phẩm đặc sản và tham gia những sinh hoạt sản xuất, thu hái cùng với gia chủ” - ông Phong cho hay.

Điển hình, Sa Pa là một mảnh đất du lịch gắn liền với hình ảnh của đồng bào dân tộc thiểu số ở tại vùng cao như người Mông, người Dao với văn hóa thổ cẩm. Sa Pa trở thành một điểm du lịch gắn liền với văn hóa bản địa và phát triển những sản phẩm thổ cẩm. Cách làm du lịch của Lào Cai chính là hướng du khách trong nước cũng như quốc tế chiêm nghiệm và tìm hiểu về ngành thủ công đặc thù nơi đây.

Thông qua du lịch để tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số
Quảng bá sản phẩm thông qua kênh du lịch đạt hiệu quả cao. Ảnh: TL

Tỉnh Hà Giang cũng đã lựa chọn 8 nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực hỗ trợ sản xuất phục vụ du lịch. Đó là chè, mật ong, dược liệu, thực phẩm chế biến, sản phẩm đan lát, dệt may, thủ công mỹ nghệ, chế tác, sản phẩm rượu, hồng không hạt. Bên cạnh đó, Hà Giang khai thác một số sản phẩm du lịch mới, khác biệt để tạo điểm nhấn. Khảo sát, lựa chọn một số cơ sở sản xuất công nghiệp đủ điều kiện đưa vào tua du lịch lồng ghép thăm quan các danh lam, thắng cảnh; cung cấp hình ảnh, nội dung thông tin đến các doanh nghiệp lữ hành để đưa vào chương trình du lịch sát với mùa vụ từng địa phương...

Về câu chuyện này, ông Lộc Kim Liễn - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang, chia sẻ Tuyên Quang là tỉnh miền núi nằm giáp ranh giữa Đông Bắc và Tây Bắc, là một tỉnh có thiên nhiên ưu đãi cho phát triển nông nghiệp hàng hóa rất lớn. Phải nói rằng là thông qua các hoạt động văn hóa - du lịch, Tuyên Quang đã tiêu thụ nông sản cho đồng bào dân tộc thiểu số rất hiệu quả. Trong những lễ hội, Tuyên Quang thường kết hợp tổ chức hội chợ hay những quầy bán hàng lưu niệm, bán các sản phẩm có thương hiệu, có chứng nhận… Khách du lịch đến Tuyên Quang có thể được sử dụng sản phẩm tại chỗ như thịt trâu khô, thịt bò khô, rau dớn rừng, rượu ngô, lợn đen…

“Trong những năm vừa qua, Tuyên Quang đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, điểm bán hàng OCOP, không những sản phẩm của Tuyên Quang mà còn sản phẩm của các tỉnh khác có thể kết nối để phục vụ du khách. Tuyên Quang cũng chú trọng phát triển kinh tế đêm. Hiện nay, một số huyện đã có không gian sinh hoạt văn hóa vào chiều thứ bảy, tối thứ bảy, tổ chức biểu diễn văn nghệ, trò chơi tại chợ đêm” - ông Liễn nhấn mạnh.

Mở đường để bà con đưa sản phẩm đến các triển lãm, hội chợ

Theo các chuyên gia, thời gian tới, để nhận diện và khai thác tốt những tiềm năng văn hóa - du lịch ở các địa phương một cách hiệu quả hơn, qua đó phát triển kinh tế cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bên cạnh tiềm năng mà chúng ta đang có, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, với sự chung tay của nhiều bên. Đơn cử như thực hiện tốt công tác tổ chức, hợp tác giữa bên du lịch của địa phương và các hãng vận tải, hoặc các công ty lữ hành du lịch để tạo ra được một chuỗi sản phẩm liên kết chặt chẽ với chi phí rẻ nhất.

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua các hoạt động văn hoá - du lịch đã và đang mang lại hiệu quả cao, thông qua đó phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con. Đây cũng là một trong những kênh phân phối tiềm năng, hỗ trợ đưa các mặt hàng vùng miền đến với thị trường trong nước và quốc tế.

“Sự hấp dẫn của du lịch gắn với văn hóa bản địa, gắn với sản phẩm hàng hóa đặc trưng của vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa sẽ ngày càng gia tăng nếu như chúng ta biết làm thương hiệu, làm sản phẩm tốt. Song song với đó, tăng cường xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch để quảng bá đến với các thị trường tiềm năng” - TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phong, trước hết là ở cấp độ quốc gia, Chính phủ cần có những chỉ đạo để các bên hữu quan, trực tiếp là bên du lịch, bên nông nghiệp và phát triển nông thôn, bên sở công thương thống nhất cách làm, hình thành và phát triển một loại sản phẩm, du lịch và văn hóa.

Thứ hai, cần phải hoàn thiện thêm hệ thống văn bản pháp lý có liên quan tới hoạt động này để có sự điều phối, tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau.

Thứ ba, hệ thống giao thông vận tải, đặc biệt là hệ thống mạng cần phải được mở rộng hơn.

Thứ tư, việc xây dựng các danh mục sản phẩm là cực kỳ quan trọng.

Thứ năm, hình thức tổ chức cần phải được chia sẻ, rút kinh nghiệm rồi nhân rộng cũng như hoàn thiện hơn. Từ đó tạo ra những hiệu ứng tích cực.

Cuối cùng, công tác quảng bá bao gồm là quảng bá về sản phẩm, các danh mục cho đối tượng khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó, giáo dục, bồi dưỡng cho bà con ở những vùng miền để họ có tâm thế và kiến thức thị trường, kiến thức phục vụ và thậm chí có thêm cả nhận thức về vấn đề tuân thủ các hợp đồng.

Thông qua du lịch để tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số
Hỗ trợ bà con đưa sản phẩm của mình tham gia hội chợ, triển lãm. Ảnh: TL

Chia sẻ về kế hoạch thời gian tới, Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang cho biết sẽ tiếp tục lấy kinh tế du lịch là kinh tế trọng tâm, chú ý về việc phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch lịch sử, homestay, du lịch vào rừng nguyên sinh, du lịch nghỉ dưỡng, tắm bùn ở suối khoáng,…Đồng thời, sẽ hỗ trợ cho bà con đưa những sản phẩm lên những trang thương mại điện tử.

Đáng chú ý, Tuyên Quang sẽ tập trung thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, trực tiếp hỗ trợ bà con đưa sản phẩm của mình tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu làm sao để sản phẩm của tỉnh này được nhiều người biết đến hơn./.

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam