Đắk Lắk: Nhiều địa phương trao cơ hội cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

18:28 | 09/12/2022 Print
Tỉnh Đắk Lắk có dân số khoảng 1,9 triệu người với 49 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 35,7%. Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đặc biệt, nhiều địa phương của tỉnh này đã rất chủ động phối hợp với các cơ quan, đoàn thể để triển khai các phương án hỗ trợ, tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vươn lên thoát nghèo.

Tạo nguồn vốn làm “điểm tựa”

Xã Cư Pui (huyện Krông Bông) có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm gần 90%, sinh sống trên 13 thôn, buôn của xã. Đến nay, tín dụng chính sách xã hội đã phủ khắp 100% thôn, buôn và thực sự góp phần quan trọng trong công tác xoá đói giảm nghèo của địa phương. Theo Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Krông Bông, đến 31/7/2022, dư nợ tại xã Cư Pui đạt 46.569 triệu đồng, tăng 11.276 triệu đồng so với cuối năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng 32,2% và là xã có tăng trưởng dư nợ lớn nhất so với mức tăng trưởng bình quân chung của huyện là 11%. Toàn xã có hơn 1.000 hộ dân đã tiếp cận nguồn vốn, với 8 chương trình tín dụng đang thực hiện đã góp phần quan trọng phát triển về các mặt kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Điền, Giám đốc NHCSXH huyện Krông Bông, cho biết: “Cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua, NHCSXH huyện đã thực hiện nhiều giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Theo đó, nguồn vốn ưu đãi đã được đầu tư đúng hướng vào các mô hình kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh giúp hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã Cư Pui vươn lên thoát nghèo.”

Năm 1996, dự án “Chăm sóc sức khỏe ban đầu” do Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch tài trợ vốn vay hơn 350 triệu đồng cho đồng bào DTTS của 6 buôn thuộc xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) nhằm cải thiện và nâng cao sức khỏe cho phụ nữ như: làm nhà vệ sinh, hỗ trợ đào, vét giếng nước, xây bể chứa nước…. Dự án được giao cho Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột quản lý. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn triển khai chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, đơn vị được giao quản lý nguồn vốn đã đề xuất và được cấp trên chấp thuận cho chuyển qua hình thức cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay số tiền từ 10 - 15 triệu đồng/hội viên để phát triển kinh tế. Mô hình ban đầu chỉ thực hiện trong phạm vi người tình nguyện và một số hộ, tổng số vốn từ dự án mua được 27 con bò trao cho 27 hộ. Đến nay, đàn bò tăng thêm 37 bê con, nâng tổng đàn lên 65 con.

Đắk Lắk: Nhiều địa phương trao cơ hội cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
Ngày hội đập heo đất của bà con xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar. Ảnh: TL

Phong trào tiết kiệm nuôi heo đất ở xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) cũng là một tín hiệu vui của chính quyền xã trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Ông Hoà Mạnh Quân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã Quảng Hiệp cho biết, trên địa bàn xã có 13 dân tộc cùng chung sống, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn; từ năm 2011, xã Quảng Hiệp đã phát động phong trào nuôi heo đất, tạo quỹ để hỗ trợ, giúp người DTTS có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo. Theo đó, hàng năm, MTTQ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể cán bộ và nhân dân về mục đích, ý nghĩa nuôi heo đất, mỗi cán bộ và nhân dân tiết kiệm 1.000 đồng/ngày. Đến nay, tổng số tiền heo đất tiết kiệm được hơn 2 tỷ đồng, qua đó đã hỗ trợ 12 hộ xây nhà, xây dựng 28 căn nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ trên 100 cặp dê giống, bây giờ tổng đàn dê có trên 700 con.

Những niềm vui lan tỏa

Từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Krông Bông, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng của xã Cư Pui đã lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng như mô hình “Chăn nuôi bò nhốt thâm canh”, mô hình “chăn nuôi dê”, “trồng và chăm sóc cây cà phê”… , đã giúp cho nhiều hộ vay cải thiện về cuộc sống, chuyển biến về nhận thức, cách thức làm ăn, tạo việc làm mới,.. Điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Ngoãn (thôn Điện Tân, xã Cư Pui) đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH. Bà Ngoãn phấn khởi cho biết: “Năm 2019, nhận thấy chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế, bằng nguồn vốn tích lũy và vay mượn người thân bà đầu tư xây dựng chuồng trại và mua bò về nuôi nhốt. Cuối năm 2019, được sự giới thiệu, hướng dẫn của hội nông dân xã, bà được vay 50 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho hộ nghèo của NHCSXH huyện. Bằng nguồn vốn này, gia đình đầu tư mua 5 con bò, kết hợp trồng cỏ voi để chăn nuôi. Nhờ chăm sóc tốt đến nay đàn bò của gia đình bà phát triển được 10 con và gia đình đã có cuộc sống ổn định”.

Đắk Lắk: Nhiều địa phương trao cơ hội cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Buổi tập huấn nghiệp vụ cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách của huyện Krông Bông (Ảnh: TL)

Bên chuồng dê cho thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm, anh Lô Hoàng Thuận (người dân tộc Tày, ngụ thôn Hiệp Tiến, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) chia sẻ: “Gia đình từ tỉnh Cao Bằng vào Đắk Lắk lập nghiệp nhưng chỉ có hơn 3 sào đất, nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2019, gia đình được MTTQ xã tặng hai con dê từ Quỹ tiết kiệm heo đất, mỗi năm đàn dê không ngừng sinh sản, gia đình chọn 7 con dê cái giữ lại để sinh sản, còn con đực xuất bán tạo kinh tế. Nhờ có đàn dê, đời sống giúp gia đình từng bước cải thiện, có tiền cho con cái học hành”.

Đắk Lắk: Nhiều địa phương trao cơ hội cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
Mô hình nuôi bò sinh sản của bà H’Dlit Êban từ nguồn vốn hỗ trợ của Hội chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột (Ảnh: TL)

Theo đánh giá của Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột, sau nhiều năm chuyển qua hình thức cho vay vốn chăn nuôi bò sinh sản đã giúp người dân ở 6 buôn của xã Ea Tu nâng cao nhận thức phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như bà H’Dlit Êban (60 tuổi, trú buôn Ko Tam), năm 2015 được Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột cho vay 13 triệu đồng để mua một con bò giống. Sau hơn 1 năm chăm sóc, bò mẹ đã sinh được một bê con. Sau đó khoảng 1 năm thì bà bán con bê trả hết số nợ đã vay. Hiện con bò mẹ đã thuộc quyền sở hữu của bà và đã sinh thêm được 6 con nữa.

Với sự quan tâm, đầu tư đồng bộ của Nhà nước, các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội, bộ mặt vùng đồng bào DTTS của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã thực sự thay đổi, khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, ngày càng củng cố thêm niềm tin, sự đồng thuận của bà con DTTS trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở địa phương.

Cẩm Tú (t/h)

© Thời báo Tài chính Việt Nam