Quảng Ninh: Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con dân tộc Dao ở huyện Ba Chẽ

15:45 | 29/12/2022 Print
Trong chương trình Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II, được tổ chức vừa qua tại tỉnh Thái Nguyên, đoàn Ba Chẽ (Quảng Ninh) đã vinh dự được lựa chọn 3 nội dung để biểu diễn tại lễ khai mạc, gồm trích đoạn tái hiện nghi lễ đám cưới dân tộc Dao, trình diễn trang phục và biểu diễn múa rùa.

Đoàn các nghệ nhân Ba Chẽ thật tự hào khi mang những thành quả từ phát huy bản sắc dân tộc của địa phương mình đi trình diễn trước bà con dân tộc Dao đến từ các tỉnh khác trong nước. Ở Ba Chẽ, người Dao chỉ chiếm 45% dân số toàn huyện, nhưng mọi phong tục tập quán của người Dao trong cả nước đều được bà con bảo tồn, phát huy một cách tốt nhất.

Ông Triệu Xuân Hồng, thôn Làng Cổng, xã Đồn Đạc, là người có uy tín trong cộng đồng người Dao ở Ba Chẽ, trực tiếp tham gia trong đoàn đến Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II. Ông Hồng cho hay: "Sở dĩ có được những thành công như vậy do từ nhiều năm nay, người Dao chúng tôi được các cấp lãnh đạo tỉnh và huyện Ba Chẽ rất quan tâm. Chúng tôi đã có những chuyến đi trải nghiệm hoặc đi thăm bạn bè trong tỉnh và cả nước, thấy ít có nơi nào người Dao lại được quan tâm để bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc một cách tốt đến thế. Giống như ta muốn hái trái ngọt, thì ta phải trồng cây và chăm bón tốt cho cây đó."

Quảng Ninh: Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con dân tộc Dao ở huyện Ba Chẽ
Nghi lễ Đám cưới Dao được trình diễn tại Lễ hội Văn hóa dân tộc Dao lần thứ II tại tỉnh Thái Nguyên.

Năm 2020, huyện Ba Chẽ đã xây dựng và khánh thành Nhà truyền thống cộng đồng người Dao ở thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn. Đây là ngôi nhà thờ tổ chung của người Dao, có tổng diện tích 1.600 m2, trong đó diện tích nhà là 707,1 m2 gồm 2 tầng, được xây dựng từ nguồn vốn của tỉnh và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL).

Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay đã vận động nguồn xã hội hóa hỗ trợ xây dựng 104 nhà ở, 86 nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện. Ủy ban MTTQ các cấp còn phối hợp các tổ chức thành viên nhân rộng các mô hình hỗ trợ sinh kế cho người nghèo...

Ngôi nhà không chỉ là nơi tìm đến của người Dao trong tỉnh mà cả người Dao từ nhiều tỉnh thành khác, nhất là dịp Lễ hội Bàn Vương, người Dao đến từ các xã của Ba Chẽ, từ các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.

Tại Lễ hội Bàn Vương huyện Ba Chẽ năm 2022, ông Triệu Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc (Văn phòng Quốc hội), đưa ra nhận định: Ba Chẽ đã chọn hướng đi đúng, khi đề cao việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc Dao.

Tôi là người đã đi nhiều nơi trong nước, thế nhưng Ba Chẽ là nơi duy nhất trong cả nước đã xây được nhà thờ tổ người Dao. Ba Chẽ đã có hướng đi đúng, khi là lựa chọn điểm đến cho một dân tộc rất đông đúc, đứng thứ 7 trong số 54 dân tộc anh em, đó là cộng đồng người Dao.

Đời sống của bà con được quan tâm và nâng cao rõ rệt, nhiều giá trị vật chất, truyền thống tinh thần của bà con đã được khôi phục lại, như nghi lễ nhảy lửa, múa rùa, múa ca dong, một thời tưởng như đã mai một. Hàng năm, vào dịp Lễ hội Bàn Vương, huyện Ba Chẽ lại giúp bà con tái hiện hành trình “Vượt biển”, với sự tham gia của nhiều dòng họ người Dao sinh sống tập trung ở ven sông Ba Chẽ.

Chương trình được bắt đầu từ bến thuyền khu vực Miếu Ông thuộc thôn Cái Gian (xã Nam Sơn), đi theo đường sông đến miếu Bàn Vương tại thôn Sơn Hải (cũng thuộc xã Nam Sơn). Theo truyền thuyết, người Dao ở Ba Chẽ có 12 họ và cùng “vượt biển” đến các vùng đất mới, nên năm nào Ban tổ chức lễ hội cũng giúp bà con có 12 con thuyền để bơi trong lễ hội.

Quảng Ninh: Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con dân tộc Dao ở huyện Ba Chẽ
Nghi lễ Múa rùa của người Dao ở Ba Chẽ. Ảnh chụp tại Lễ hội Bàn Vương lần thứ II năm 2022 tại Ba Chẽ.

Trẻ em người Dao ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã được trau dồi nhiều kiến thức, để phát huy tốt nhất phong tục tập quán của dân tộc mình. Các em học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Ba Chẽ tham gia làm mặt nạ Ka đong do các nghệ nhân được mời đến truyền dạy, mà trước đó mặt nạ Ka đong bị mai một gần như mất hẳn.

Trong lễ cấp sắc của người Dao, nhân vật Ka đong được coi như đấng thần linh bảo vệ con người, dòng họ và bản làng. Múa Ka đong với đeo mặt nạ là một diễn xướng dân gian tổng hợp vô cùng ý nghĩa của người Dao Thanh Y.

Để các phong tục tập quán của đồng bào Dao được duy trì và phát triển, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã phối hợp với một số tổ chức, ban, ngành trên địa bàn thành lập, duy trì và phát triển các câu lạc bộ (CLB) dân ca, dân vũ để phát huy bản sắc cho bà con. Đồng thời, cán bộ văn hóa huyện còn giúp các CLB sân khấu hóa các tiết mục thêm sinh động để giao lưu biểu diễn trong và ngoài tỉnh, từ đó mang lời ca, tiếng hát của dân tộc mình, của quê hương Ba Chẽ lan tỏa hơn trong đời sống xã hội./.

Là huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh nhưng những năm gần đây, công tác giảm nghèo tại huyện Ba Chẽ đã có bước chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện không ngừng được nâng lên. Có được kết quả này là nhờ vào sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn huyện để từng bước thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

PV

© Thời báo Tài chính Việt Nam