Bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) luôn là một nội dung quan trọng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chỉ đạo trong suốt quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước. Với quan điểm nhất quán, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định, văn hóa các DTTS là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam thống nhất, đa dạng. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành và thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo động lực để phát triển đời sống kinh tế, xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng vùng đồng bào DTTS.

Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Phát triển kinh - tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS không chỉ có mục tiêu bảo tồn nói chung, mà để đạt được sự bền vững của các nội dung đầu tư, mục tiêu bảo tồn được gắn với mục tiêu phát triển du lịch.

Ngay từ giai đoạn chuẩn bị triển khai thực hiện, Uỷ ban Dân tộc và Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) đã nghiên cứu, xác định các vấn đề ưu tiên để cùng nhau xây dựng nội dung, kế hoạch tổ chức thực hiện nội dung này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 1/10/2021, Uỷ ban Dân tộc và Bộ VHTT&DL cũng đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ VHTT&DL giai đoạn 2021 - 2025. Trong giai đoạn này, hai cơ quan cam kết sẽ tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả công tác phối hợp trong thực thi các nhiệm vụ chính trị, quản lý nhà nước đối với lĩnh vực VHTT&DL và gia đình; công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc ở vùng đồng bào DTTS&MN; phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng hiện có để đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch; bảo vệ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp ở vùng đồng bào DTTS&MN trong thời kỳ hội nhập và phát triển; phối hợp triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG, trọng tâm là Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, các dự án, tiểu dự án do Ủy ban Dân tộc chủ trì và một số nhiệm vụ khác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

dân tộc thiểu số

Đổi mới hệ thống chính sách về văn hóa dân tộc

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, các nội dung đầu tư đều phải hướng tới mục tiêu nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhìn chung, chính sách có thể đa dạng, nội dung chính sách cần phải tập trung giải quyết nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng các DTTS.

Tuy nhiên chính sách nào cũng cần phải hướng đến việc tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Mục tiêu này cũng chính là định hướng quan trọng để góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN trong thời gian tới.

Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, cần ban hành các chính sách cụ thể, tập trung vào lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, ngôn ngữ DTTS, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS; trong đó có chính sách cho các nghệ nhân tổ chức truyền dạy di sản văn hóa, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn đầu tư từ xã hội hóa đối với các hoạt động VHTT&DL vùng DTTS và miền núi. Việc truyền dạy văn hóa DTTS là rất cấp bách, khi các nghệ nhân gạo cội của các dân tộc đã ở tuổi trên 90 và đang dần thưa vắng.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS là một vấn đề cần thiết trong phát triển kinh tế du lịch, trong giáo dục truyền thống, đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Để công tác này đạt được hiệu quả mong muốn trong giai đoạn 2021 - 2030, Uỷ ban Dân tộc và Bộ VHTT&DL đều xác định cần phải tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách về văn hóa dân tộc theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài.

Việc khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào DTTS&MN vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc trong thời gian tới.

Đây cũng chính là nhiệm vụ quan trọng, cụ thể và thiết thực trong việc góp phần thực hiện định hướng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021 tại Hà Nội: “Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”.