Vai trò 2 văn bản quan trọng

Thời gian qua, Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg ngày 8/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn được coi là những văn bản quan trọng hỗ trợ các hoạt động kinh doanh tại vùng khó khăn.

Cải cách cơ chế hỗ trợ vốn cho thương nhân, thay đổi diện mạo vùng khó khăn
Các hoạt động kinh tế vùng khó khăn đã và sẽ góp phần thay đổi đời người dân, trong đó việc chăm lo cho trẻ em cũng được tốt hơn. Ảnh: T.L

Theo Quyết định 31, tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn là việc sử dụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng trong cả nước.

Ngân hàng Chính sách xã hội là tổ chức được giao thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo quy định tại quyết định này.

Các đối tượng được vay vốn theo Quyết định 31 là hộ gia đình theo quy định của Bộ luật Dân sự (bao gồm cả hộ gia đình làm kinh tế trang trại) không thuộc diện hộ nghèo (sau đây gọi chung là người vay vốn) thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Bên cạnh đó, chủ hộ gia đình là người đại diện cho hộ gia đình chịu trách nhiệm giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quan hệ vay vốn, trả nợ, trả lãi.

Về điều kiện vay vốn, người vay vốn phải có dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh được ủy ban nhân dân xã nơi thực hiện dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh xác nhận; phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; cư trú hợp pháp tại nơi thực hiện dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh.

Cải cách cơ chế hỗ trợ vốn cho thương nhân, thay đổi diện mạo vùng khó khăn
Nguồn vốn tín dụng có ý nghĩa quan trọng hỗ trợ các hỗ gia đình và thương nhân vùng khó khăn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Ảnh: T.L

Trong khi đó, Quyết định 92 quy định tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn là việc sử dụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho vay phát triển thương mại ở địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Chính phủ cũng giao Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chính sách tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn theo quy định tại quyết định này.

Thương nhân hoạt động thương mại quy định trong Quyết định 92 bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, hoạt động thương mại được thực hiện theo quy định của Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối tượng được vay vốn theo quy định tại Quyết định 92 này là thương nhân hoạt động thương mại thường xuyên ở vùng khó khăn.

Những yếu tố cần thay đổi

Quyết định 31 và Quyết định 92 trong thời gian thực thi đã phát huy những tác dụng tích cực, hỗ trợ đáng kể cho hoạt động kinh doanh của hộ gia đình và các thương nhân hoạt động tại vùng khó khăn.

Đến hết ngày 31/12/2021, tổng doanh số cho vay theo Quyết định 31 đạt trên 84 nghìn tỷ đồng; dư nợ chương trình trên 27 nghìn tỷ đồng; dư nợ bình quân khoảng 39 triệu đồng/hộ; nợ quá hạn chỉ chiếm 0,21% dư nợ; nợ khoanh chiếm 0,37% dư nợ.

Mục đích xây dựng dự thảo Quyết định sửa đổi các Quyết định 31 và 92:

Xử lý, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng vùng khó khăn để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, vừa đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng, vừa góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”, hỗ trợ người vay thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn theo Quyết định số 92, đến ngày 31/12/2021, tổng doanh số cho vay đạt trên 1,6 nghìn tỷ đồng; dư nợ chương trình trên 180 tỷ đồng; dư nợ bình quân 46 triệu đồng/khách hàng; nợ quá hạn chỉ chiếm 1,08% dư nợ; nợ khoanh chiếm 0,52% dư nợ.

Các chương trình đã giúp trên 3 triệu lượt hộ gia đình sản xuất kinh doanh, thương nhân vùng khó khăn được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, hoạt động thương mại. Vốn cho vay ưu đãi được triển khai cho vay đến 100% xã thuộc khu vực khó khăn trong cả nước, đã khơi dậy được tiềm năng phát triển kinh tế của vùng, nhân dân có điều kiện phát triển những ngành nghề thế mạnh của địa phương, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Tuy nhiên, các văn bản đã được ban hành từ khá lâu, việc thực hiện các quy định tại Quyết định 31 và Quyết 92 đã phát sinh một số vướng mắc thực tế. Chẳng hạn như, có trường hợp một số thôn không thuộc danh mục các xã vùng khó khăn, tuy nhiên lại thuộc danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành cho từng giai đoạn. Do đó, việc quy định “vùng khó khăn” chỉ bao gồm các đơn vị hành chính cấp xã đã dẫn đến trường hợp các thôn đặc biệt khó khăn nhưng lại không được thụ hưởng chính sách.

Ngoài ra, quá trình thực hiện cũng có những nội dung khác cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tế. Căn cứ cơ sở pháp lý, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng, ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung các chương trình tín dụng vùng khó khăn là cần thiết. Điều này cũng mở ra cơ hội mới cho hoạt động kinh doanh của các hộ gia đình, thương nhân vùng khó khăn được thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy và nâng cao đời sống người dân khu vực này.

Quan điểm xây dựng dự thảo văn bản

- Thứ nhất, tuân thủ các quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

- Thứ hai, thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối chính sách, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 tại Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội và các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

- Thứ ba, tiếp tục duy trì những nội dung còn phù hợp tại Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg, chỉ sửa đổi, bổ sung các nội dung phát sinh bất cập trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.