Nhiều chính sách bảo vệ và phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ Việt Nam được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ với vị thần chủ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thực hành ở nhiều địa phương như Nam Định, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, TP.Hồ Chí Minh… Chủ thể di sản tín ngưỡng này là các thủ nhang, thầy cúng, thanh đồng, hầu dâng, cung văn, con nhang đệ tử cùng với cộng đồng cư dân có chung một niềm tin vào quyền năng, sức mạnh tối linh, sự bảo trợ của các Mẫu, đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, gắn bó với nhau thành bản hội, cùng nhau thực hành nghi lễ thờ cúng, tham gia lễ hội, nghi lễ lên đồng tại các đền, phủ, điện Thờ Mẫu.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một sinh hoạt tâm linh, nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng.
Tổ chức UNESCO đánh giá di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản, thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo, tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một sinh hoạt tâm linh, nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã có những cơ chế, chính sách để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như hỗ trợ, thành lập các câu lạc bộ bảo vệ và phát huy giá trị di sản ở địa phương; phục hồi các lễ hội truyền thống; tổ chức nghiên cứu khoa học, xuất bản tài liệu hướng dẫn; tổ chức triển lãm, trưng bày, trình diễn di sản tại bảo tàng; thiết kế các chương trình giảng dạy chính thức và phi chính thức; tôn vinh, công nhận danh hiệu cho các nghệ nhân và thủ nhang, đồng đền tiêu biểu. Các hoạt động đó phản ánh cam kết của Nhà nước, cộng đồng nhằm bảo vệ di sản. Mục tiêu tổng thể là để đảm bảo tính khả thi trong việc thực hành di sản, tránh việc thương mại hóa các nghi lễ…

Sau 6 năm được UNESCO ghi danh và Chính phủ Việt Nam triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã có nhiều thay đổi. Nhận thức của các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân đối với vị trí và vai trò của di sản văn hóa trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội được đầy đủ hơn; sức lan tỏa của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cũng mạnh mẽ hơn ở nhiều địa phương… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thay đổi tích cực, việc thực hành di sản văn hóa trên đây còn bộc lộ một số mặt hạn chế, bất cập. Tình trạng thương mại hóa các nghi lễ, lễ hội vẫn xuất hiện ở một số nơi; hiện tượng đốt vàng mã quá mức ở các đền phủ; chất lượng tổ chức nghi lễ, lễ hội chưa cao, có lúc có nơi chưa thực hiện đúng với nguyên tắc tổ chức truyền thống…

Để hạn chế những bất cập trên, mới đây, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh hiện nay.

Hội thảo nhằm nghiên cứu, đánh giá những thành tựu đạt được, những cơ hội, thách thức, mặt hạn chế và nguyên nhân trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; đề xuất những sáng kiến, giải pháp nhằm khắc phục những mặt hạn chế, bất cập để tiếp tục thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả. Từ đó, hướng đến mục tiêu xây dựng Báo cáo quốc gia vào năm 2024 trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) với một số nội dung như: đánh giá sức sống của di sản và những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn tại của di sản; những nỗ lực, biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản: sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo vệ di sản.

Nhiều chính sách bảo vệ và phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt
Nguyễn Tuấn Hoàng, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình trong buổi thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá công tác nghiên cứu, nhận diện giá trị, kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và các tập quán, nghi lễ, lễ hội truyền thống tốt đẹp gắn với di sản; đánh giá các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, về truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần hòa hợp dân tộc và trân trọng vai trò của người phụ nữ trong cộng đồng. Tổng kết các bài học kinh nghiệm, mô hình bảo tồn; mô hình hoạt động sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng; giáo dục di sản tại các cơ sở công lập và địa điểm thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại các địa phương trong cả nước.

Bên cạnh đó, các tham luận tại hội thảo cũng làm rõ vai trò của các cá nhân, cộng đồng trong hoạt động đóng góp, gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; thực trạng hoạt động quảng bá về giá trị di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong và ngoài nước; nghiên cứu đánh giá cơ chế, chính sách quản lý di sản nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan, thương mại hóa di sản văn hóa và xử lý các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, làm sai lệch di sản gây tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội. Đồng thời, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa và làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư./.

Hỗ trợ, thành lập các câu lạc bộ bảo vệ và phát huy giá trị di sản ở địa phương

Chính phủ Việt Nam đã có những cơ chế, chính sách để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như hỗ trợ, thành lập các câu lạc bộ bảo vệ và phát huy giá trị di sản ở địa phương; phục hồi các lễ hội truyền thống; tổ chức nghiên cứu khoa học, xuất bản tài liệu hướng dẫn; tổ chức triển lãm, trưng bày, trình diễn di sản tại bảo tàng; thiết kế các chương trình giảng dạy chính thức và phi chính thức; tôn vinh, công nhận danh hiệu cho các nghệ nhân và thủ nhang, đồng đều tiêu biểu.