Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng lên

Có thể thấy trong nhiều năm trở lại đây, với việc tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, về giảm nghèo bền vững, trong đó có Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ…, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc tại nhiều địa phương đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... ở vùng dân tộc thiểu số.

Là tỉnh miền núi có trên 88% là đồng bào dân tộc thiểu số, để chăm lo, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung chỉ đạo lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình, đề án khác đã được Chính phủ phê duyệt thực hiện đối với vùng dân tộc và miền núi.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo các quy định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ cho trên 10.000 lượt hộ có đất sản xuất, có nước sinh hoạt, có máy móc, nông cụ để phát triển kinh tế. Đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ trên 17 tỷ đồng cho trên 43.000 lượt hộ để mua giống cây trồng, vật nuôi, thuốc thú y... phục vụ phát triển sản xuất.

Đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo nhờ các chính sách vay vốn ưu đãi
Đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo nhờ các chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước. Ảnh TL minh họa

Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bắc Kạn đã dần được đổi thay, khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa từng bước được cải thiện, nâng cao.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, các chính sách giảm nghèo có tính đặc thù như Nghị quyết 30a của Chính phủ, Nghị quyết số 04-NQ/TU về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ năm... được triển khai đã tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ưu tiên bố trí các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, đầu tư xây dựng các công trình đã có tác động trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người nghèo. Nông thôn miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều thay đổi, cải thiện về nhà ở, các công trình trường học, trạm y tế, điện, giao thông, thủy lợi… nâng cao mức độ hưởng thụ, trình độ dân trí cho người dân.

Mở ra “cánh cửa” giúp đồng bào dân tộc thoát nghèo bền vững

Mặc dù kinh tế - xã hội của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có bước phát triển mạnh trong những năm gần đây, nhưng đây vẫn là vùng khó khăn nhất và là “lõi nghèo của cả nước”. Vì thế, với Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn để phát triển sản xuất, đã đánh dấu một một bước chuyển quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như quan điểm của Chính phủ trong việc chuyển dần từ cơ chế hỗ trợ "cho không" sang "cho vay" có điều kiện.

Hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được “phủ sóng” đến 100% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hầu hết số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách xã hội, đặc biệt có hộ vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững.

Đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo nhờ các chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước
Mô hình chăn nuôi bò của đồng bào dân tộc Ma Coong (Quảng Bình) được triển khai từ nguồn vốn vay ưu đãi. Ảnh tư liệu.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn cho vay hộ nghèo dân tộc thiểu số những năm qua chủ yếu được đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, hỗ trợ kinh phí học tập... đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hàng triệu lượt hộ, giúp cho hộ nghèo, đặc biệt là hộ dân tại huyện nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, hộ đồng bào dân tộc thiểu số từng bước quen dần với cơ chế thị trường. Hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn đã mạnh dạn vay vốn để sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng.

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Khmer. Tại đây, hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội đã và đang khẳng định được vai trò, vị thế của mình thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi để giải ngân cho bà con vay vốn đầu tư tăng thu nhập, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng…

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho nhiều hộ dân tộc thiểu số có nguồn lực để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế gia đình.

Ông Lý Rươl, ở xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng cho biết, vừa qua, gia đình ông được Ngân hàng chính sách xã hội huyện xem xét cho vay 20 triệu đồng thuộc chương trình cho vay hộ nghèo. Tiếp cận được nguồn vốn, vợ chồng ông đã mua 2 con bò về nuôi, khi bò sinh sản, gia đình ông sẽ có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Anh Lâm Bêl, ở xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo, nhờ được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội của huyện, anh đã tiến hành trồng trọt, chăn nuôi gia súc gia cầm. Đến nay, anh Lâm Bêl đã trả xong nợ ngân hàng và tiếp tục được ngân hàng xem xét cho vay thêm 40 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo để tiếp tục đầu tư vào mô hình nuôi bò và trồng rẫy…

Những kết quả đạt được từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi hiện nay là quá trình thực hiện kiên trì, bền bỉ trong thời gian dài, có tính kế thừa và phát triển về mặt chất lượng, từng bước tích hợp các chính sách giảm nghèo, chuyển từ thực hiện chuẩn nghèo đơn chiều sang chuẩn nghèo đa chiều, tiếp cận chuẩn nghèo quốc tế của Đảng và Nhà nước.

Trong giai đoạn 2021 - 2030, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm tới các chủ trương, chính sách tập trung phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có chính sách tín dụng ưu đãi. Trong giai đoạn mới, chính sách tín dụng xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần tiếp tục đổi mới và mở rộng theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng cho vay liên quan đến các dự án sản xuất - kinh doanh, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số./.