Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đức Cơ được hỗ trợ bằng nhiều hình thức để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Nghi Khang

Chăm sóc vườn cây cao su của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đức Cơ.

Theo đó, Hội Nông dân huyện đã vận động hội viên cải tạo vườn, triển khai nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, giúp đỡ hàng trăm hội viên thoát nghèo. Hội Cựu chiến binh tuyên truyền, phổ biến cho hội viên các phương thức sản xuất, sử dụng vốn vay để phấn đấu thoát nghèo bền vững. Hội Liên hiệp phụ nữ đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn làm ăn. Đoàn Thanh niên vận động các cấp giúp đỡ hộ nghèo, truyền thông nâng cao nhận thức cho thanh niên về học nghề và lập nghiệp... Nhờ vậy, đến cuối năm 2021, toàn huyện giảm còn gần 3.000 hộ nghèo (chiếm 15,2%), trong đó có hơn 2.600 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Ia Kriêng, với gần 1.370 hộ ở xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, nhưng tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%. Người dân chủ yếu trồng cà phê, điều và cao su. Cuộc sống quanh năm vất vả, đói nghèo. Được sự quan tâm của Đảng ủy xã thông qua hình thức chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác giúp hội viên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) để đầu tư phát triển sản xuất; tổ chức cho các hộ nghèo tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả mà nhiều hộ đã từng bước ổn định, có hộ trở nên khá giả.

Cũng từ nguồn vốn vay của Phòng Giao dịch NHCSXH, nhiều gia đình ở làng Grôn, xã Ia Kriêng đã có thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm; nhiều người trở thành điển hình trong nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Ông Siu Luynh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, cho biết: “Với mục tiêu trung bình mỗi năm giảm từ 3,5% hộ nghèo trở lên, riêng trong vùng dân tộc thiểu số giảm từ 7% trở lên, huyện tập trung lồng ghép các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và các chương trình trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VII (nhiệm kỳ 2020-2025) nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững. Trong đó, chú trọng giảm số thôn, làng đặc biệt khó khăn với các chương trình cụ thể về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”.