Kết nối sản xuất - tiêu thụ hàng hoá để phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: T.Uyên

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đánh giá tại Diễn đàn kinh tế Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo năm 2022 diễn ra sáng ngày 5/10, tại Hà Nội.

Nằm trong chuỗi sự kiện, hoạt động triển khai thực hiện Quyết định 1162/QĐ-TTg về phát triển thương mại miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025, Diễn đàn kinh tế Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo năm 2022 nhằm kết nối, hỗ trợ các đơn vị sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc sản miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo. Diễn đàn là cơ hội để các nhà quản lý, doanh nghiệp chia sẻ các kinh nghiệm, giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, các địa phương, đặc biệt là các giải pháp khai thác hiệu quả yếu tố đặc trưng văn hoá, dân tộc, đặc sản vùng miền, tinh hoa sản phẩm của mỗi địa phương Việt Nam để đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

Hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, việc tổ chức Diễn đàn kinh tế kết nối hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo sẽ góp phần vào việc tăng cường kết nối cung cầu, bảo đảm nguồn lực duy trì chuỗi cung ứng liên tục, đa dạng ở thị trường trong và ngoài nước, nâng cao khả năng thích ứng, sức chống chịu trong một thế giới đầy biến động.

Đến nay, hệ thống chính sách sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương, tăng cường năng lực cho công chức, viên chức của tỉnh, huyện, xã về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo… được hình thành.

Kết nối sản xuất - tiêu thụ hàng hoá để phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: T.Uyên

“Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh, quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh thêm.

Cũng tại Diễn đàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đánh giá, Báo cáo tình hình hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, hải đảo do Bộ Công Thương trình bày là bản kế hoạch tổng thể, công phu, thể hiện quyết tâm và bước đi phù hợp, với tinh thần phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, ủy ban, các địa phương, doanh nghiệp, nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận của cả hệ thống chính trị trong thực hiện Quyết định 1162/QĐ-TTg trong thời gian tới.

Những năm gần đây, nhờ việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, hoạt động kinh tế thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã có những chuyển biến đáng kể, góp phần tạo ra cơ hội giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

“Các chính sách hỗ trợ, ưu tiên phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản; Hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững...Thông qua đó đã góp phần phát triển kinh tế - ổn định đời sống xã hội cho đồng bào dân tộc”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, có rất nhiều đặc sản vùng, miền như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sa Pa, rượu sim Phú Quốc… đã mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp chia sẻ, hoạt động sản xuất tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá có giá trị, được chứng nhận nhãn hiệu tập thể và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, không chỉ đáp ứng nhu cầu tại địa phương mà còn được đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản như xoài tròn Yên Châu, vải Lục Ngạn, nhãn Sông Mã… đã được chú trọng phát triển thương hiệu và xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, châu Âu…, góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Ưu tiên đầu tư hạ tầng và hỗ trợ để thu hút doanh nghiệp

Chia sẻ về Chương trình Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, chương trình có nhiều điểm mới, với những nội dung, yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước, nhất là huy động nguồn lực để hỗ trợ sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu đặc sản, kết nối tiêu thụ, thúc đẩy chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa khu vực miền núi, hải đảo qua sàn thương mại điện tử quốc tế…

Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp sản xuất và phân phối đã chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng trong xây dựng thương hiệu sản phẩm của địa phương để chinh phục thị trường trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp phân phối lớn cũng chỉ ra những điểm vướng mắc trong quá trình doanh nghiệp miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo khi đưa hàng hóa đặc sản của Việt Nam thành hàng hóa thế mạnh và tham gia xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử toàn cầu.

Trong thời gian tới, những nội dung về xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng, lợi thế phù hợp với quy mô, dung lượng thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo sẽ được đưa vào. Việc đẩy mạnh xuất khẩu, khuyến khích tham gia vững chắc vào chương trình hội nhập đối với hàng hóa lợi thế, phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo…

Sau đó từ góc độ quản lý, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ giao cho các đơn vị, đầu mối là Vụ Thị trường trong nước rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện khung pháp lý nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa có thế mạnh của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; tập trung nghiên cứu phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng đối với hàng hóa được sản xuất tại các khu vực này;chú trọng tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực và kết nối thị trường cho thương nhân tham gia xuất khẩu hàng hóa của khu vực qua biên giới.

Đồng thời, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các địa phương và hệ thống phân phối để tổ chức các hoạt động phân phối hàng hóa phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; tiếp tục kết nối đưa hàng hóa là lợi thế của các khu vực này vào các kênh phân phối trên thị trường trong nước và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương tiếp tục đề nghị Chính phủ quan tâm, bố trí nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đặc biệt ở những vùng dân tộc thiểu số sinh sống.

Ngoài ra, Bộ Công thương tiếp tục đề xuất với Chính phủ cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng và hải đảo, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại tại khu vực này.

Cuối cùng, Bộ Công thương đề nghị các địa phương hàng năm cần quan tâm hơn nữa và bố trí một phần kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình.

Ý kiến tại diễn đàn, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong kiến nghị, tiếp tục phải có những chính sách để khuyến khích mạnh hơn nữa và có thể nói là có đủ lực hấp dẫn đối với các doanh nghiệp. Vai trò mấu chốt để phát triển được sản xuất cũng như kết nối để tiêu thụ sản phẩm phải là doanh nghiệp, mà muốn doanh nghiệp tham gia sâu hơn thì chính các doanh nghiệp cũng phải làm ăn có hiệu quả. “Chúng ta cần quan tâm, đầu tư hơn nữa, nhất là phần kinh phí từ Chính phủ và nguồn địa phương để thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo”, ông Phong nhấn mạnh./.