Minh Hóa thoát nghèo nhờ tận dụng thế mạnh địa phương
Một góc bản Dộ-Tà Vờng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Ảnh: TL

Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo

Huyện Minh Hóa hiện có các dân tộc thiểu số (DTTS) gồm Bru - Vân Kiều, Chứt, Thổ, với hơn 1.300 hộ, khoảng 13.150 nhân khẩu (chiếm 22,2% dân số toàn huyện), sống tập trung tại 41 thôn, bản của 4 xã biên giới (Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa), 3 xã vùng rẻo cao (Hóa Hợp, Hóa Tiến, Hóa Phúc) và xen ghép tại một số địa phương khác.

Đại đa số đồng bào DTTS ở đây sống tập trung tại những vùng núi cao, điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi, trình độ dân trí thấp so với mặt bằng chung toàn huyện, tập quán sản xuất còn nhiều lạc hậu… do đó đời sống đồng bào nơi đây còn nhiều khó khăn.

Với phương châm "Các dân tộc đều bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển", huyện Minh Hóa đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai thực hiện có hiệu quả việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS. Hiện tại, đời sống của đồng bào DTTS huyện Minh Hóa cơ bản ổn định, không có trường hợp hộ thiếu đói.

Thời điểm này, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện Minh Hóa đạt gần 33.000 con, trong đó, đàn trâu trên 5.400 con, đàn bò trên 14.000 con, còn lại chủ yếu là lợn, dê. Tổng đàn gia cầm đạt trên 132.000 con. Sản lượng thịt xuất chuồng toàn huyện đạt trên 2.000 tấn mỗi năm.

Anh Đinh Minh Thanh (SN 1983, dân tộc Chứt ở thôn Đặng Hóa, xã Hóa Sơn) tâm sự: "Trước đây, gia đình mình định cư ở thôn Tăng Hóa, xã Hóa Sơn. Năm 2014, do gia đình nằm ở khu vực bị sạt lở nên các cấp chính quyền, nhà hảo tâm đã hỗ trợ gia đình di dời đến khu vực này dựng nhà để sinh sống, làm ăn sản xuất được an toàn hơn. Vợ chồng khi "ra riêng" rất khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và các nhà hảo tâm nên mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay, phấn khởi lắm!”

Các cấp chính quyền, nhà hảo tâm luôn giúp đỡ đồng bào DTTS xã Hóa Sơn nói chung và gia đình mình nói riêng về cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm và hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật trong trồng trọt, phát triển chăn nuôi, miễn tiền học phí cho con em đồng bào, tạo điều kiện thuận lợi để vay vốn làm ăn sản xuất... Nhờ đó, nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Hóa Sơn từ chỗ trước đây thường xuyên bị đói ăn, đứt bữa, nay đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí khấm khá.

Cũng nhờ sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước về nguồn vốn vay, tập huấn kỹ thuật phát triển chăn nuôi, đến nay, vợ chồng đã xây dựng được một gia trại với quy mô hơn 1ha rừng cây keo lai, nuôi khoảng 40 con lợn rừng lai mỗi lứa (2 lứa/năm), 8 con bò và một số gà thả vườn. Nhờ chủ động tận dụng được nguồn thức ăn cho vật nuôi từ việc trồng rau, cỏ chăn nuôi, lấy chuối rừng ở các sườn núi... nên hiệu quả kinh tế gia đình tăng lên đáng kể, bình quân mỗi năm vợ chồng cũng thu về hơn 100 triệu đồng tiền lãi ròng. Kết quả này chưa cao so với các mô hình ở miền xuôi, nhưng đối với vùng đồng bào DTTS thì quả là rất đáng phấn khởi.

Hình thành nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Đồng bào dân tộc thiểu số Minh Hóa thoát nghèo nhờ tận dụng thế mạnh địa phương
Bà con Minh Hóa tích cực chuyển dịch cơ cấu trong chăn nuôi, nâng cao chất lượng đàn bò lai. Ảnh: TL

Với sự hỗ trợ đắc lực của các cấp chính quyền, nhà hảo tâm, đến nay, tại vùng đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa đã xây dựng một mô hình lúa nước với diện tích 4ha; tại vùng người Mày của hai bản Dộ-Tà Vờng (xã Trọng Hóa), bản K-Ai (xã Dân Hóa) cũng triển khai các mô hình lúa nước với diện tích 6ha. Ngoài ra, gần đây, huyện Minh Hóa còn xây dựng 4 mô hình tổ hợp tác chăn nuôi bò tại vùng đồng bào DTTS hoạt động khá hiệu quả ở các bản: Lương Năng (xã Hóa Sơn), Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa), K-Ai (xã Dân Hóa), Dộ-Tà Vờng (xã Trọng Hóa); 7 mô hình tổ hợp tác trồng bưởi da xanh tại xã Hóa Hợp nhằm giúp cho nhiều hộ đồng bào dân tộc Chứt có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo...

Ông Cao Ngọc Điền, Trưởng phòng Dân tộc huyện Minh Hóa cho biết: Hiện 100% số xã có đồng bào DTTS sinh sống ở huyện Minh Hóa đều có đường giao thông kiên cố nối với vùng trung tâm xã; khoảng 80% thôn, bản có đồng bào DTTS sinh sống ở huyện cũng có đường giao thông được kiên cố hóa bằng bê tông hoặc đất cấp phối, góp phần đáp ứng tốt cho nhu cầu đi lại, giao thương giữa các vùng miền. Hệ thống trường học ở huyện Minh Hóa cơ bản được xây dựng kiên cố, khang trang, đáp ứng chừng 80% nhu cầu học tập của con em vùng DTTS (gần với khu vực sinh sống) ở huyện. Bên cạnh việc xây dựng 100% trạm y tế cho các xã có đồng bào DTTS sinh sống, hiện trên địa bàn huyện còn có thêm 3 trạm quân dân y kết hợp (tại các xã Thượng Hóa, Dân Hóa, Trọng Hóa) để tăng cường nhiệm vụ chăm sóc y tế cho bà con DTTS. Đáng mừng, vùng đồng bào DTTS ở huyện có khoảng 90% bà con được dùng điện thắp sáng; 60% thôn, bản có nhà văn hóa để sinh hoạt...

Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập

Theo ông Cao Xuân An, Bí thư Đảng ủy xã Minh Hóa, cùng với việc dồn lực thực hiện mục tiêu XDNTM, Đảng bộ xã Minh Hóa tập trung lãnh đạo nhân dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Theo đó, xã Minh Hóa tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm nông-lâm nghiệp, tăng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, xã vận động bà con nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới năng suất cao vào sản xuất. Cùng với đó, xã khuyến khích người dân đẩy mạnh trồng rừng kinh tế, đặc biệt là trồng rừng gỗ lớn, phấn đấu đến hết năm 2025, đưa tổng diện tích rừng trồng trên địa bàn xã lên 650ha, không để diện tích đất hoang…