Liên kết vùng để đạt hiệu quả

Bắc Trung Bộ là vùng đất hẹp nhất của đất nước, có địa hình khí hậu khắc nghiệt. Thế nhưng, người dân các địa phương vùng Bắc Trung Bộ lại có điểm chung là cần cù, chịu khó, giàu nghị lực. Thiên nhiên cũng bù đắp cho vùng đất này những danh lam thắng cảnh, điểm du lịch nổi tiếng.

Riêng đối với lĩnh vực du lịch, đây là khu vực tập trung nhiều khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, cũng là nơi nổi tiếng với các di sản thế giới, có nhiều cộng đồng dân cư thuộc các sắc tộc khác nhau sinh sống, hình thành nhiều tài nguyên nhân văn đa dạng và độc đáo, có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách.

Nâng cao kỹ năng làm du lịch cho người dân tộc thiểu số
Với các tỉnh Bắc Trung Bộ, du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là cầu nối để giao lưu văn hóa. Ảnh: T.L
Với các tỉnh Bắc Trung Bộ, du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là cầu nối để giao lưu văn hóa, kết nối với các địa phương do đó các liên kết vùng quan trọng để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Sau mở cửa, ngành du lịch đã phục hồi mạnh mẽ với sản phẩm dịch vụ được nâng cao, đào tạo nhân lực cải thiện và các sản phẩm du lịch được phát triển đặc sắc hơn.

Tháng 2/2022, cơ quan quản lý du lịch 5 tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam ký biên bản liên kết, hợp tác về du lịch. Việc phối hợp liên kết du lịch của 5 địa phương không chỉ xoay quanh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, các sản phẩm dịch vụ du lịch, mà dựa trên thế mạnh, đặc thù của từng địa phương, 5 tỉnh sẽ kết nối hình thành chuỗi du lịch di sản, du lịch biển đảo, du lịch khám phá, mạo hiểm... góp phần tối ưu hóa dịch vụ, chi phí để hoàn thiện sản phẩm du lịch “Con đường di sản miền Trung” đi qua 5 địa phương. So với 5 địa phương trong khu vực, trong những năm qua, du lịch Quảng Trị phát triển chưa tương xứng, vì thế đây là cơ hội để ngành du lịch tỉnh (cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ điểm đến...) học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

Theo kế hoạch, ngành du lịch 5 tỉnh sẽ phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, các sản phẩm dịch vụ và tạo hiệu ứng lan truyền trong quảng bá, xúc tiến du lịch về điểm đến của cả 5 địa phương tới thị trường du lịch trong nước và quốc tế; phối hợp quảng bá, cung cấp thông tin về thời gian và nội dung các lễ hội, các sự kiện văn hóa lớn giữa 5 địa phương nhằm tránh trùng lặp; phối hợp xây dựng sản phẩm du lịch chung căn cứ trên thế mạnh, đặc thù của từng địa phương và kết nối chuỗi các sản phẩm du lịch giữa các địa phương như: du lịch cộng đồng, du lịch di sản, du lịch biển đảo, du lịch khám phá, mạo hiểm...

Trang bị kỹ năng quảng bá du lịch cho người dân tộc thiểu số

Bên cạnh liên kết vùng, mở rộng đường bay, các địa phương còn cần hình thành và phát triển sản phẩm du lịch chuyên đề như: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch biển; liên kết các ngành như đường sắt, hàng không, nông nghiệp, thủy sản... để tạo ra các gói sản phẩm chung hấp dẫn.

Cuối cùng là việc đào tạo nghề, ngoại ngữ cho lao động trong ngành du lịch, nâng cao nhận thức và đào tạo, tập huấn cho cộng đồng tham gia hoạt động du lịch giữa các địa phương trong vùng nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp. Hoạt động này đảm bảo mặt bằng chất lượng dịch vụ, tiêu chuẩn nghề quốc gia và khu vực.

Mới đây tại, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Helvetas phối hợp với Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam tổ chức khóa tập huấn chuyên sâu về marketing du lịch sinh thái cho một số cộng đồng dân tộc thiểu số thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Đây là một hoạt động thuộc Tiểu hợp phần 6 của Dự án "Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học" (VFBC) do USAID tài trợ, Helvetas Việt Nam phối hợp với một số đối tác thực hiện nhằm cải thiện sinh kế cho các cộng đồng dân cư sống tại vùng đệm các khu bảo tồn quốc gia, khu bảo tồn và khu dự trữ thiên nhiên.

Người dân tộc thiểu số học kỹ năng marketing du lịch cộng đồng
Cộng đồng dân tộc thiểu số tập huấn chuyên sâu về marketing. Ảnh: T.T

Thông qua khóa tập huấn này, khoảng 30 học viên là người dân tộc thiểu số đã được trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể tự quảng bá cho các dịch vụ du lịch sinh thái của mình. Các chuyên gia không chỉ cung cấp cho học viên các kiến thức chung về marketing du lịch mà còn hướng dẫn thực hành tại chỗ các kỹ năng như quay phim, chụp ảnh, chỉnh sửa và dựng phim bằng phần mềm trên diện thoại di động, viết nội dung và đăng tải lên các nền tảng như Facebook, TikTok...

Anh Hồ Văn Nhâng (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) chia sẻ: "Tôi dùng smart phone rất nhiều nhưng không biết hết các chức năng của nó. Nhờ thầy chỉ nên giờ tôi đã biết quay phim, biết chụp ảnh. Trước đây khi dẫn đoàn đi du lịch thì tôi chỉ chụp đại, không biết nên đặt góc chụp ra sao, cao hay thấp. Qua lớp tập huấn này, tôi đã học được nhiều thứ, hiểu được nhiều vấn đề hơn và có thể áp dụng ngay. Tôi mong muốn được học thêm nữa để có thể làm du lịch cộng đồng tốt hơn"./.

Bên cạnh các phương thức quảng bá truyền thống, việc quảng bá các sản phẩm du lịch với điểm đến là các vùng Bắc Trung Bộ qua mạng lưới phương tiện truyền thông như website, fanpage, YouTube... cũng rất cần thiết.