Nhiều chủ trương chăm lo đời sống đồng bào dân tộc

Chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách như: Chỉ thị 68-CT/TW ngày 14/4/1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI và Thông báo số 67-TB/TW ngày 14/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer…

Hay những chính sách phát triển “dài hơi” cho cả một giai đoạn phát triển là Nghị quyết số 21/NQ-TW của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an nình vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010” và Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2021 của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011-2020” nhằm xây dựng tổng thể các chính sách ưu đãi riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng bằng sông Cửu Long, trọng tâm là đối với đồng bào Khmer giai đoạn 2014 - 2020 và có Chiến lược phát triển toàn diện đối với đồng bào dân tộc Khmer đến năm 2030, định hướng đến năm 2050…

Tạo sức bật cho đồng bào Khmer phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo
Tạo sức bật cho đồng bào Khmer phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Ảnh minh họa.

Việc thể chế hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã được Chính phủ, các ban, bộ, ngành và các địa phương có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống thực hiện nghiêm túc, cụ thể, phù hợp với sự phát triển chung của cả vùng và từng địa phương.

Theo đó, trong nhiều năm gần đây, vùng dân tộc Khmer đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để triển khai các hạng mục, công trình, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo cán bộ và cộng đồng.

Công tác chăm lo sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao dân trí, duy trì và phát triển tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer luôn được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, chú trọng. Nhiều chính sách ưu đãi đối với học sinh, sinh viên dân tộc Khmer như: cử tuyển, dự bị đại học, học bổng, hỗ trợ tiền, gạo, miễn giảm học phí; chính sách thu hút đối với giáo viên, cán bộ giáo dục công tác trong vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của đồng bào được thực hiện hiệu quả. Hệ thống trường phổ thông, trường dân tộc nội trú, trường dạy nghề cho con em đồng bào Khmer đã phát triển đến tất cả các huyện có đông đông bào Khmer…

Công tác chăm lo sức khỏe cho đồng bào Khmer cũng luôn được cấp ủy, chính quyền các địa phương chú trọng. Mạng lưới y tế cơ sở thường xuyên được đầu tư, củng cố, chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng lên. Theo đó, mỗi năm đã có trên 70 nghìn lượt người được khám, chữa bệnh miễn phí.

“Trao cần câu hơn trao con cá”

Xác định đời sống của đồng bào Khmer còn nhiều khó khăn do kinh tế chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, buôn bán nhỏ, nhiều hộ dân thiếu vốn và tư liệu sản xuất. Theo đó, ngoài các chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, tại từng địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống đều có những chính sách đặc thù trên các lĩnh vực để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào Khmer.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có trên 25.000 người dân tộc Khmer, chiếm 2,1 dân số của tỉnh sinh sống chủ yếu ở huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm và thị xã Bình Minh.

Theo đó, ngoài việc thực hiện nghiêm túc các chính sách, chương trình của Đảng, Nhà nước, tỉnh Vĩnh Long đã chủ động thực hiện một số chính sách đặc thù của tỉnh từ nguồn kinh phí xã hội hóa, kịp thời giải quyết khó khăn và nhu cầu về nhà ở, vốn sản xuất cho đồng bào.

Xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn là một trong 2 xã có đông đồng bào Khmer thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh Vĩnh Long với 46% hộ đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, đã có nhiều hộ tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi, vươn lên thoát nghèo. Giai đoạn 2015 - 2020, số hộ nghèo trong đồng bào Khmer tại xã đã giảm 293 hộ.

Tạo sức bật cho đồng bào Khmer phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo
Đời sống của đồng bào Khmer ngày càng phát triển nhờ chính sách hỗ trợ vay vốn. Ảnh: TL.

Đời sống của đồng bào Khmer tại tỉnh Trà Vinh cũng đã khởi sắc trong nhiều năm gần đây. Đây là kết quả từ việc triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án đặc thù của Chính phủ, các bộ, ngành dành cho đồng bào Khmer và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện các giải pháp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer.

Trong giai đoạn 5 năm (2016 - 2020), từ nguồn vốn Chương trình 135, tỉnh Trà Vinh đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn xây dựng 308 công trình, duy tu, bảo dưỡng 122 công trình; thực hiện 261 dự án phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình cho 2.722 hộ; tổ chức mở 186 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thu hút 11.633 lượt người tham gia với kinh phí trên 250 tỷ đồng.

Đi đôi với đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, các cấp, các ngành còn quan tâm chỉ đạo triển khai thự chiện các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vận động đồng bào chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Với các biện pháp đã thực hiện, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh đã giảm 19,9%, đạt mức bình quân 4%/năm.

Có thể thấy, với phương châm “trao cần câu hơn trao con cá”, các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với thực tế của địa phương mình để mang lại cho đồng bào dân tộc chiếc “cần câu”, mở ra cơ hội thoát nghèo cho đồng bào bởi khi được tiếp cận các chính sách, đồng bào dân tộc đã hăng say lao động sản xuất, chí thú làm ăn để phát triển kinh tế gia đình./.