Nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách

Trụ cột giảm nghèo của bà con dân tộc thiểu số ở Hà Quảng
Nhiều hộ gia đình ở huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng thoát nghèo nhờ chăn nuôi lợn thịt. Ảnh: TL
Năm 2016, gia đình anh Nông Văn Việt, xóm Nà Giàng, xã Ngọc Đào (Hà Quảng) được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện tạo điều kiện vay vốn chương trình sản xuất, kinh doanh với số tiền 50 triệu đồng đầu tư nuôi bò sinh sản. Sau 5 năm vay vốn, gia đình anh Việt có tổng đàn bò 5 con, năm 2021, anh có tiền trả ngân hàng. Năm 2022, anh Việt tiếp tục vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ để mở rộng mô hình chăn nuôi bò, lợn nái, lợn thịt. Đến nay, quy mô chuồng chăn nuôi của gia đình anh có 2 con bò, 5 con lợn nái, 42 con lợn thịt; thu nhập ước đạt trên 200 triệu đồng/năm.

Gia đình anh Việt là 1 trong số 7.960 hộ trên địa bàn huyện được vay vốn hiện nay với dư nợ trên 468,7 tỷ đồng do Phòng Giao dịch NHCSXH huyện triển khai theo 18 chương trình vay vốn của ngân hàng. Kết quả đó là sự nỗ lực, quyết tâm của Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH huyện trong việc thường xuyên quan tâm, chỉ đạo hoạt động của NHCSXH triển khai tốt kế hoạch tín dụng hàng năm; duy trì chế độ họp định kỳ hàng quý; phân công các thành viên Ban đại diện kiểm tra, giám sát hoạt động của NHCSXH trên địa bàn các xã, thị trấn nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng chính sách. Tham mưu UBND huyện chỉ đạo thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, như: bố trí ngân sách chuyển bổ sung vốn ủy thác sang NHCSXH hàng năm để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, hỗ trợ kinh phí hoạt động và chỉ đạo UBND cấp xã bố trí địa điểm, thời gian, đảm bảo an ninh, an toàn đối với hoạt động giao dịch của NHCSXH tại các điểm giao dịch xã, thị trấn…

Những năm qua, vốn tín dụng chính sách giúp 37.069 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Hà Quảng được vay vốn, giúp cho hơn 5.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho 1.657 lao động, xây dựng 2.894 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giúp cho 500 học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hỗ trợ 332 hộ nghèo làm nhà ở, 27 hộ vay vốn sửa chữa, xây dựng nhà ở xã hội.

Để nguồn vốn đến được với người dân thuận lợi nhất, trong những năm qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện thực hiện hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức giao dịch tại nhà, giải ngân thu nợ tại xã. Phòng Giao dịch NHCSXH huyện phối hợp với chính quyền địa phương mở và duy trì hoạt động 21 điểm giao dịch tại 21 xã, thị trấn; thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội.

Sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức hội, đoàn thể

Trụ cột giảm nghèo của bà con dân tộc thiểu số ở Hà Quảng
Khách hàng giao dịch tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hà Quảng. Ảnh: TL

Huyện Hà Quảng có 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác vốn vay qua NHCSXH gồm: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên với 325 tổ tiết kiệm và vay vốn. 99,9% tổng dư nợ cho vay các chương trình đều thông qua các tổ chức chính trị - xã hội với tổng dư nợ đến nay 468 tỷ 387 triệu đồng.

Chị Hoàng Thị Chầm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ngọc Đào cho biết: Thực hiện chương trình ủy thác với NHCSXH huyện, khi tiến hành bình xét cho vay, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thực hiện bình xét công khai, minh bạch, đảm bảo cho vay đúng đối tượng. Đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ngọc Đào có tổng dư nợ trên 14 tỷ đồng với 11 tổ tiết kiệm và vay vốn; tổng dư nợ do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã quản lý cao nhất huyện, không có nợ xấu, nợ quá hạn.

Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đàm Hồng Tân khẳng định: Tính đến nay, tổng nguồn vốn của Phòng Giao dịch đạt 469,230 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn trung ương chuyển về 377,806 tỷ đồng, nguồn vốn thuộc ngân sách địa phương 5,924 tỷ đồng, nguồn vốn huy động 43,795 tỷ đồng; nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,05%. Trong 2 năm qua, tình hình dịch Covid-19 phức tạp, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, thực hiện chương trình tín dụng và hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ, giúp cho nhân dân có điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện triển khai các chương trình cho vay đến từng địa bàn, thực hiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân vay vốn, tạo việc làm..., từng bước đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Với huyện vùng cao Hà Quảng, việc phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn; hạ tầng cơ sở còn thiếu và yếu, hộ nghèo chiếm 39,59%, hộ cận nghèo chiếm 12%/tổng số hộ trên toàn huyện, nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH thực sự trở thành “trụ cột” giúp nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn huyện.