Tổ chức Plan International Việt Nam vừa phối hợp với Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang, ban điều hành Dự án Plan 2 huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần tổ chức hội thảo giới thiệu dự án “Mô hình toàn diện nhằm xây dựng cộng đồng an toàn tại Việt Nam” (CMCR).

2,4 triệu USD hỗ trợ 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La và Thừa Thiên- Huế xây dựng cộng đồng an toàn
Khởi động dự án tại Hà Giang. Ảnh: Plan International Việt Nam

Trong những năm tới, theo dự báo của các cơ quan nghiên cứu về khí tượng, thủy văn thì tình hình thiên tai sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường hơn nữa, một phần do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phần khác liên quan đến việc chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội mà còn thiếu đi tính bền vững.

Dự án CMCR do Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, được thực hiện bởi liên minh các tổ chức gồm: Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ/Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Tổ chức Cứu trợ trẻ em, Tổ chức Plan International Việt Nam (Plan), tổ chức Catholic Relief Service tại Việt Nam (CRS) và Tổ chức Quốc tế người cao tuổi (HelpAge), với thời gian thực hiện từ nay đến tháng 9/2023 tại 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La và Thừa Thiên- Huế.

Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ củng cố hệ thống quản lý rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực và tối ưu hóa nguồn lực để đảm bảo cộng đồng và trường học trong địa bàn dự án tăng cường khả năng chống chịu với đa dạng hiểm họa thiên tai, có thể xây dựng kiến thức về rủi ro thiên tai, tự tổ chức và thực hiện các hành động phòng ngừa và ứng phó với thiên tai.

Dự án CMCR có tổng vốn viện trợ là 2,4 triệu USD nhằm hỗ trợ hơn 57.000 người hưởng lợi và được triển khai tại 16 xã/phường thuộc 7 quận/huyện tại 3 tỉnh trên. Trong đó dự kiến 9.852 người hưởng lợi trực tiếp bao gồm cả nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số. Tổ chức Plan International sẽ triển khai dự án tại 4 xã bao gồm Tụ Nhân, Chiến Phố, Tả Nhìu và Nấm Dẩn của tỉnh Hà Giang với tổng vốn hỗ trợ là 359.056 USD, dự kiến hỗ trợ 15.000 người hưởng lợi.

Mô hình chương trình can thiệp của dự án bao gồm: Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho khu vực nông thôn và đô thị; Lồng ghép ưu tiên giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Đánh giá nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm; Xây dựng năng lực về nhà an toàn với thiên tai; Thực hiện các ưu tiên trong kế hoạch phòng chống thiên tai; Thực hiện trường học an toàn trong phòng, chống thiên tai; Đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng./.