Xã Hợp Thành (thành phố Lào Cai) là nơi sinh sống của người Xa Phó. Họ đã gắn bó với vùng núi cao này từ nhiều đời và hiện vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc.

Đó là nhờ có những người tâm huyết với văn hóa dân tộc như nghệ nhân dân gian Lý Ngọc Sáng. Miệt mài, trăn trở với văn hóa dân tộc, những việc làm của ông Lý Ngọc Sáng, 1 trong 5 nghệ nhân dân gian của tỉnh (tới thời điểm hiện tại) đã và đang góp phần làm hồi sinh những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Xa Phó trên vùng núi cao Nậm Rịa, xã Hợp Thành.

Lào Cai: Những nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc
Nhiều nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

Mặc dù đã tuổi xế chiều, nhưng nghệ nhân Lý Ngọc Sáng vẫn luôn đam mê với văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Nghệ nhân dân gian Lý Ngọc Sáng cho biết: "Thường thì phụ nữ Xa Phó mới đam mê múa, hát. Nhưng từ nhỏ được nghe, được xem bà, mẹ múa hát nhiều nên tôi đã yêu những câu hát, điệu múa truyền thống của dân tộc từ lúc nào không hay. Càng lớn tôi càng thấy dân ca Xa Phó rất hấp dẫn, rất đặc biệt, trong khi xã hội ngày càng phát triển khiến lớp trẻ không còn thích học dân ca truyền thống của dân tộc. Điều này khiến tôi băn khoăn, trăn trở, muốn tìm hiểu thêm và truyền dạy cho con, cháu để chúng hiểu, thêm yêu và thấy có trách nhiệm trong việc giữ gìn văn hóa dân tộc".

Chính vì vậy, ông Sáng đã lặn lội ngược xuôi, cứ nghe thấy ở đâu có người Xa Phó sinh sống là tìm đến học hỏi, sưu tầm.

Sau nhiều ngày tháng vất vả, dựa vào những tư liệu quý đã tìm hiểu, học hỏi được ở thế hệ đi trước, ông Sáng tự nghiên cứu và sáng tác thành những bài hát, điệu múa mới, dựa trên những chất liệu dân ca truyền thống dân tộc, sao cho phù hợp với thực tế.

Lào Cai: Những nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

Đến nay, nghệ nhân Lý Ngọc Sáng đã tự sáng tác 26 bài hát và 4 bài múa. Tất cả bài hát, điệu múa đều được ông truyền dạy lại cho con, cháu và các thành viên đội văn nghệ của xã. Mỗi năm, cứ vào dịp lễ, tết, hội... ông Sáng đều được mời tới truyền dạy dân ca cho thế hệ trẻ.

Không chỉ có các nghệ nhân, những người có uy tín trong các thôn, bản như bà Lý Thị Kiều, dân tộc Dao đỏ, ở Bản Bông 1 - 2, xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên) cũng đã và đang đóng góp không nhỏ trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Nhờ có những người như bà Kiều, nghề thêu thổ cẩm của người Dao đỏ được truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Từng có nhiều nhiệm kỳ giữ vai trò trưởng thôn, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, tới nay dù đã nghỉ sau nhiều năm cống hiến, nhưng bà Lý Thị Kiều vẫn là người uy tín được bà con kính nể, tôn trọng. Bà Kiều còn được biết đến là người am hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc Dao đỏ.

Bà Kiều là người có nhiều kinh nghiệm trong việc duy trì nghề thêu thổ cẩm truyền thống của người Dao đỏ ở địa phương. Được mẹ và bà nội dạy thêu từ năm 10 tuổi, sau khi lấy chồng, bà vẫn duy trì nghề thêu thổ cẩm, may trang phục truyền thống cho chồng, con trai, con gái và cho chính mình.

Không chỉ truyền dạy thêu, may trang phục dân tộc, bà Kiều còn tích cực dạy hát dân ca cho lớp trẻ. Ngoài việc ghi nhớ những bài hát dân ca đã được bà và mẹ dạy từ nhỏ, bà Kiều còn sưu tầm, học hỏi những người đi trước các bài hát giao duyên, hát đối đáp, hát gọi bạn, tiễn bạn… những câu hát chứa đựng tâm tư, tình cảm của người Dao đỏ dành cho nhau, cho quê hương, thôn bản. Đó là những lời ca mà bà và nhiều người khác đang cố gắng lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Đóng góp thầm lặng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Tuy gặp không ít khó khăn, như nguồn lực đầu tư còn hạn chế, việc tổ chức truyền dạy các loại hình văn hóa truyền thống chưa thực sự bài bản, chủ yếu là lưu truyền truyền miệng... nhưng những người như nghệ nhân dân gian Lý Ngọc Sáng, bà Lý Thị Kiều đã và đang có những đóng góp thầm lặng mà to lớn trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.