Đào tạo nghề tại Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang. Ảnh: T.L |
Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh sống tập trung chủ yếu ở các huyện: Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Kiên Lương, thành phố Rạch Giá và thành phố Hà Tiên.
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh có 401 học sinh là con em đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Đa số là con em đồng bào dân tộc Khmer được tạo điều kiện bước vào giảng đường đại học, cao đẳng để tiếp thu kiến thức thông qua hình thức cử tuyển. Sau khi tốt nghiệp, 246 em đã được phân công, bố trí về công tác tại địa phương.
Hằng năm, tỉnh Kiên Giang có khoảng 4.600 người dân tộc thiểu số, phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer tham gia học nghề tập trung ở các trình độ cao đẳng, trung cấp nghề và học nghề. Sau khi tốt nghiệp, tỉnh đã tạo việc làm hơn 3.000 lao động/năm, góp phần giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, cải thiện cuộc sống trong đồng bào dân tộc thiểu số.
"Học sinh các trường dân tộc nội trú tốt nghiệp trung học phổ thông nhiều năm qua đạt từ 98% trở lên; riêng Trường phổ thông Dân tộc nội trú trung học phổ thông tỉnh Kiên Giang 5 năm liền có 100% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông” - ông Thiều Văn Nam - Phó Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang |
Cùng với thực hiện học bổng chính sách, chế độ miễn, giảm học phí cho học sinh theo quy định của Chính phủ, các trường dạy nghề ở Kiên Giang còn vận động nhà hảo tâm hỗ trợ, tiếp sức đến trường cho những học sinh, sinh viên là đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn để các em an tâm học tập đạt kết quả.
Thời gian qua, hoạt động giáo dục trong vùng dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long được đẩy mạnh, các chính sách về giáo dục đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phát huy hiệu quả tích cực.
Việc thực hiện chính sách đối với người dạy, người học là người Khmer được thực hiện khá tốt. Đối với người học, tỉnh và ngành thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em; thực hiện việc miễn, giảm học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông công lập; hỗ trợ chi phí học tập và chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh, chính sách hệ cử tuyển.
Học sinh tại các trường phổ thông dân tộc nội trú còn được thụ hưởng chính sách theo Thông tư liên tịch số 109 ngày 29/5/2009 của liên Bộ Tài chính, Giáo dục và Đào tạo. Việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần nâng cao chất lượng dạy - học ở các trường dân tộc nội trú trong tỉnh.
Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 6 trường phổ thông dân tộc nội trú, gồm một trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông (có 12 lớp, quy mô 420 học sinh) và 5 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học Cơ sở có 40 lớp (8 lớp/1 trường) quy mô 250 học sinh/trường và Trường Trung học phổ thông chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, với quy mô 1.000 học sinh, hàng năm có hơn 50 học sinh dân tộc nội trú trúng tuyển. |