Sở Giáo dục và Đào tạo được UBND tỉnh Hà Giang giao nhiệm vụ hướng dẫn triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5 Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025 cho các huyện, thành phố.

Hà Giang: Phát triển kinh tế - xã hội giúp nâng cao hiệu quả xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc
Lớp học xóa mù chữ trên địa bàn xã Thượng Sơn (Vị Xuyên).

Trong hai năm qua, Tiểu dự án 1 - Dự án 5 được Sở GD&ĐT chỉ đạo và hướng dẫn UBND các huyện triển khai thực hiện rất tích cực và đạt hiệu quả. Toàn tỉnh Hà Giang hiện có 816 cơ sở giáo dục, trong đó có 13 trường trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), với 5.823 học sinh, 194 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), với 97.739 học sinh, 78 trường có học sinh bán trú (HSBT) với 43.107 em.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục được đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị góp phần nâng cao chất lượng dạy và học; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường PTDTNT, PTDTBT, trường có HSBT, được tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo Chương trình phổ thông 2018 và nâng cao chất lượng xóa mù chữ cho người dân.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Hà Giang, Tiểu dự án 1- Dự án 5 giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh được đầu tư nâng cấp 213 phòng công vụ cho giáo viên; 619 phòng ở cho học sinh bán trú; 59 phòng quản lý học sinh bán trú; 76 phòng nhà ăn, nhà bếp; 82 nhà kho chứa lương thực; 68 công trình vệ sinh, nước sạch; 54 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 739 phòng học thông thường, phòng học bộ môn; 64 công trình phụ trợ; mở 890 lớp xóa mù chữ cho 26.700 người.

Tổng nguồn vốn thực hiện dự án là 740.364 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương 705.108 triệu đồng, ngân sách địa phương 27.069 triệu đồng.

Sau 2 năm tích cực triển khai dự án, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ký kết công tác phối hợp thực hiện các nội dung với các ngành, địa phương, đơn vị liên quan; tổ chức các hội nghị triển khai Dự án 5, phối hợp với các huyện, thành phố ban hành văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm túc về quy trình rà soát nhu cầu, mua sắm, đấu thầu các trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục thuộc đối tượng thụ hưởng của Chương trình.

Trong năm 2022 - 2023, theo báo cáo tổng hợp từ các huyện, thành phố đã có 291 trường học được cấp trang thiết bị, trong đó 115 trường được cấp trang thiết bị chuyển đổi số phục vụ công tác dạy và học trực tuyến, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tại một số huyện.

Công tác xóa mù chữ đã mở được 231 lớp xóa mù chữ với 5.215 học viên; xây mới 30 phòng công vụ cho giáo viên, 217 phòng ở cho học sinh, 4 phòng quản lý học sinh, 391 phòng học thông thường và bộ môn, cải tạo sửa chữa 12 nhà ăn, nhà bếp, 8 nhà kho chứa lương thực, 14 công trình vệ sinh, nước sạch, 1 nhà sinh hoạt giáo dục văn hóa, 18 công trình phụ trợ khác.

Hà Giang: Phát triển kinh tế - xã hội giúp nâng cao hiệu quả xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc
Đồng bào dân tộc thiểu số Hà Giang học tập để xóa mù chữ. Ảnh: Minh họa.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang cho biết, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, ngành Giáo dục tỉnh Hà Giang đã tổ chức, triển khai đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ về công tác xóa mù chữ. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngành Giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ.

Các trường vùng cao cũng phân công giáo viên dạy xóa mù chữ biết tiếng dân tộc, linh động về thời gian, kết hợp nhiều hình thức giảng dạy để học viên dễ tiếp thu, bố trí thời gian dạy theo nhóm, lớp. Linh hoạt thay đổi cách bố trí lớp học, không gian lớp học, sử dụng những đồ dùng học tập bằng những sản phẩm nông nghiệp tại địa phương để dạy môn toán ở giai đoạn 1 và sử dụng song ngữ (cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc) để giảng dạy giúp người học cảm thấy gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ.