Với mục tiêu bảo tồn và phát triển giống gà H’Mông bản địa và đa dạng hóa các nguồn giống gia cầm, năm 2023, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) thí điểm nuôi gà H’Mông bản địa thương phẩm theo hướng an toàn sinh học tại xã Tùng Bá, số lượng trên 5.100 con với 6 hộ thực hiện, nhà nước hỗ trợ 50% giống, 22% thức ăn, còn lại nhân dân đối ứng. Sau thời gian nuôi thử nghiệm, đánh giá tính hiệu quả của mô hình, huyện nhân rộng ra nhiều hộ tại một số địa phương khác.

Huyện Vị Xuyên có diện tích 1.495,25 km² và dân số 103.542 người (năm 2014). Vị Xuyên là nơi sinh sống của 19 dân tộc, trong đó, người Tày chiếm khoảng 50%, người Kinh 25%, Dao khoảng 20 % còn lại là các dân tộc Nùng, Cao Lan, H’mông... Người Tày chiếm đa số ở Vị Xuyên và sống trong những ngôi nhà sàn có cột làm bằng gỗ xẻ vuông và thấp.

Anh Lương Văn Nam - thôn Khuôn Làng, xã Tùng Bá chia sẻ: “Đây là giống gà có nguồn gen quý, sức đề kháng tốt, giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon, chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Sau thời gian nuôi thí điểm với sự hỗ trợ của nhà nước, tôi tiếp tục đầu tư trên 200 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện tại, trong xã đã có 12 hộ cùng thực hiện”.

Hà Giang: Đa dạng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tăng hiệu quả kinh tế cho đồng bào ở Vị Xuyên
Nuôi gà H’Mông bản địa thương phẩm theo hướng an toàn sinh học tại xã Tùng Bá, Vị Xuyên.

Sản xuất cỏ ngọt SV1 gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm với quy mô 10 ha tại thị trấn Vị Xuyên và xã Việt Lâm là một trong những mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Theo đánh giá của ngành chức năng, với năng suất 50.000 kg cỏ SV1 tươi/1ha/năm, giá bán 6.000 đồng/kg, cỏ ngọt SV1 cho thu nhập 300 triệu đồng, lợi nhuận sau chi phí đạt 140 triệu đồng/ha. Hiện nay người dân liên kết trồng, tiêu thụ sản phẩm cỏ ngọt SV1 với Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Sơn Ý và HTX sản xuất - dịch vụ nông, lâm nghiệp Gia Vi.

Đối với các chương trình nông nghiệp trọng tâm, huyện Vị Xuyên chú trọng phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa theo chuỗi giá trị với cây chè shan tuyết, quế, thảo quả. Đến nay, toàn huyện có 2.743 ha chè shan tuyết, năng suất đạt 31 tạ/ha, sản lượng trên 8.503 tấn, giá trị sản xuất chè đạt trên 127 tỷ đồng/năm, có 10 doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất, chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm chè với người dân; duy trì và chăm sóc 2.858,5 ha thảo quả, 2.820 ha quế.

Bên cạnh đó, dựa vào lợi thế từng địa phương, huyện thực hiện một số phương án, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa khác như: Sản xuất lúa chất lượng cao J02 với quy mô 73 ha tại các xã vùng thấp, năng suất lúa bình quân đạt 69,54 tạ/ha. Sản xuất và bảo tồn giống lúa nếp cái hoa vàng địa phương theo hướng hữu cơ quy mô 5 ha tại xã Thuận Hòa, năng suất đạt 40 tạ/ha, sản lượng 20 tấn.

Liên kết với Công ty TNHH Thủy Vĩnh Bảo trồng rau chuyên canh theo chuỗi giá trị quy mô trên 7 ha tại thị trấn Vị Xuyên, xã Việt Lâm, Ngọc Linh, Kim Thạch. Nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện tại xã Đạo Đức với quy mô cá giống trên 20 tấn/10 lồng.

Tổ hợp tác sản xuất rau chuyên canh tại tổ 11, thị trấn Nông trường Việt Lâm chuyên sản xuất các loại rau, mướp, bí xanh, su su với diện tích trên 8 ha/14 thành viên, doanh thu trên 150 triệu đồng/hộ/năm. Sản xuất rau, củ, quả chất lượng cao trong nhà lưới tại thị trấn Vị Xuyên, xã Đạo Đức, Phong Quang với hệ thống tưới nhỏ giọt, ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Mô hình liên kết phát triển chăn nuôi giữa HTX Cát Lý xã Thuận Hòa với 149 hộ dân, giai đoạn 2023-2025 dự kiến phát triển quy mô chăn nuôi khoảng 10.000 con, sản lượng thịt bò tươi 1.000 tấn, thịt bò khô 300 tấn. Hiện, sản phẩm thịt bò của HTX Cát Lý được cấp chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, nhãn mác, mã vạch truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, một số dự án lĩnh lực nông, lâm nghiệp thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia được huyện triển khai quyết liệt.

Hà Giang: Đa dạng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tăng hiệu quả kinh tế cho đồng bào ở Vị Xuyên
Gà H'mông mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào dân tộc ở Vị Xuyên. Ảnh: Minh họa.

Để sản xuất đảm bảo chất lượng, huyện Vị Xuyên chú trọng ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào tất cả các khâu; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 18 lớp tập huấn chuyển giao cho 745 lượt người về kỹ thuật trồng cây sâm khoai, sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, nuôi gà H’Mông an toàn sinh học, cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn rau hộ gia đình, sản xuất và bảo tồn giống lúa nếp địa phương theo hướng hữu cơ, sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị.

Với cách làm đổi mới, linh hoạt từ cơ sở, nông nghiệp Vị Xuyên đạt nhiều kết quả nổi bật: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt trên 18 nghìn ha; sản lượng lương thực cả năm đạt trên 57,5 nghìn tấn; tỷ trọng ngành chăn nuôi trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 43%.

Toàn huyện có 44 trang trại, tổng đàn trâu, bò có 25.143 con; tổng đàn gia cầm 871.619 con; tổng diện tích nuôi thủy sản trên 520 ha; trồng rừng tập trung đạt gần 700 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 70,9%; sản xuất vụ Đông ngày càng đa dạng, phù hợp, chất lượng...