Phum, sóc khởi sắc

Vào các phum, sóc của đồng bào Khmer An Giang dễ dàng nhận ra bức tranh nông thôn đã hoàn toàn thay đổi. Hầu hết các tuyến đường đều được trải nhựa hoặc bê tông đi lại dễ dàng cả 2 mùa mưa nắng.

5 năm qua, từ nguồn vốn Chương trình 135, An Giang đã xây dựng, duy tu bảo dưỡng nhiều công trình; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất như khai thác chế biến đường thốt nốt, trồng nấm rơm trong nhà, nuôi lươn, nuôi bò, kỹ thuật trồng rau màu an toàn... Trong đó, hỗ trợ trực tiếp 116.448 người thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn với số tiền hơn 10 tỷ đồng; hỗ trợ đất ở cho 894 hộ với kinh phí hơn 29 tỷ đồng; thực hiện Quyết định số 2085/QÐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (giai đoạn 2017 – 2020), đã có 6.736 hộ được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và chuyển đổi nghề với tổng kinh phí thực hiện gần 120 tỷ đồng. Chương trình cho vay tín dụng hộ DTTS nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho vay vốn 170,6 tỷ đồng, với 10.649 người (chiếm 39% trên tổng số hộ đồng bào DTTS).

An Giang: Phum sóc đổi thay nhờ thực hiện tốt chính sách dân tộc
Từ các nguồn vốn lồng ghép với các chương trình tại An Giang, góp phần giúp diện mạo phum, sóc biên giới Tịnh Biên thêm khởi sắc.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang, ông Men Pholly cho biết, đến nay đã có gần 90% số xã có đường ô – tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê - tông hóa; 80% số thôn, bản có đường trục giao thông được cứng hóa; gần 70% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 75% số hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...

Nhờ sự quan tâm chăm lo của các ngành, các cấp, đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025) còn 14,6% (3.969 hộ), hộ cận nghèo 1.871 hộ (chiếm 6,88%).

An Giang: Phum sóc đổi thay nhờ thực hiện tốt chính sách dân tộc
Anh Chau Rô Tha - dân tộc Khmer ở ấp An Hòa, xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn) thu hoạch nước từ cây thốt nốt để nấu đường, từ nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ nên cuộc sống ngày càng sung túc hơn.

“Chúng tôi sẽ phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025). Đây là chương trình quan trọng, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh và vùng đồng bào DTTS, đẩy mạnh phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, từng bước nâng cao mức sống, thu nhập cho đồng bào DTTS tại An Giang” – ông Men Pholly xác định.

Đời sống nâng cao

Ở huyện miền núi Tịnh Biên (tỉnh An Giang) có đông đồng bào DTTS sinh sống. Thời gian qua các chính sách dân tộc được quan tâm thực hiện khá tốt. Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thanh Hùng cho biết: Những năm qua, vùng biên Tịnh Biên đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua các chương trình, dự án chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, mở rộng ngành nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời, hoạt động giáo dục và đào tạo được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS Khmer được nâng cao.

An Giang: Phum sóc đổi thay nhờ thực hiện tốt chính sách dân tộc
Bà con Khmer các phum, sóc An Giang rộn ràng đón mừng Tết Chôl Chnăm Thmây.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác dân tộc và các chính sách dân tộc, ưu tiên nguồn vốn từ các chương trình, dự án của Chính phủ để giải quyết kịp thời những khó khăn, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS Khmer. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền sẽ mang đến cuộc sống sung túc hơn hơn cho đồng bào DTTS Khmer, cùng phấn đấu đưa quê hương Tịnh Biên ngày càng phát triển” – ông Hùng nói.

Thượng tọa Chau Phrốs, Sãi cả chùa Thơm Mít (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên – An Giang) nói: “Đời sống của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi ngày càng khá hơn, nhờ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ bằng các chương trình dự án chính sách cho người dân tộc… Tại các xã Vĩnh Trung, Văn Giáo, An Cư, Núi Voi (huyện Tịnh Biên)…, bà con Khmer trồng rau màu, lúa 2 vụ và 3 vụ nên không còn sợ đói như trước, thậm chí nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả, cho con cái đi học đàng hoàng. Nhiều khu vực hẻo lánh được Nhà nước quan tâm phát triển tuyến đường dây điện thắp sáng và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, hỗ trợ giống vật nuôi cây trồng. Rồi, bà con chung tay xây dựng xóm, ấp và phum, sóc ngày càng tiến bộ”.

Những năm qua, các phum, sóc xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn – An Giang) nhờ chương trình 135 đã làm thay đổi hạ tầng cơ sở, hộ nghèo có được mái ấm vững chãi để yên tâm lao động, sản xuất, tạo điều kiện cho từng hộ vươn lên trong cuộc sống. Gia đình anh Chau Rô Tha, dân tộc Khmer ở ấp An Hòa, xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn) đã khôi phục nghề nấu đường thốt nốt nên cuộc sống ngày càng sung túc hơn.

“Hồi trước, cuộc sống khó khăn, thiếu vốn đầu tư nên công việc nấu đường khó khăn. Nhờ được vay vốn ưu đãi của ngân hàng 50 triệu đồng, gia đình tôi mua được đầy đủ dụng cụ nấu và chủ động nguyên liệu cho nghề nấu đường thốt nốt. Ngoài 20 cây thốt nốt của gia đình, tôi còn mua thêm vài chục cây thốt nốt của bà con trong phum, sóc để lấy nước mở rộng nghề nấu đường truyền thống, tăng thu nhập, sớm trả hết nợ ngân hàng, thoát khỏi cảnh nghèo túng” - anh Chau Rô Tha kể.

Giờ đây, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh An Giang được nâng lên, diện mạo phum, sóc đã có nhiều đổi thay tích cực, đồng bào ngày càng hòa nhập tốt hơn với sự phát triển của xã hội. Đồng bào DTTS tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, hăng hái thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần giảm nghèo, xây dựng làng quê phát triển./.