Theo đó, từ năm 2023-2025, tỉnh thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện miền núi Đakrông với tổng kinh phí trên 90 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương 30 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Tạo điều kiện để bà con an cư...
Quảng Trị chung tay hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Ảnh TL |
Với nguồn kinh phí đó, tỉnh hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số xây mới 589 căn nhà, sửa chữa 322 căn nhà. Nhà ở xây mới hoặc sửa chữa đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2, có tuổi thọ từ 20 năm trở lên và đảm bảo an toàn khi xảy ra bão.
Đến cuối tháng 11/2022, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Linh đã giải ngân được 920 triệu đồng cho 23 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Vĩnh Ô có nhu cầu vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở. Mỗi hộ được vay 40 triệu đồng trong thời hạn 15 năm với mức lãi suất 3%/năm.
Ước đến cuối năm 2022, trên địa bàn xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị có 71 hộ gia đình đang sống trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát. |
Tại huyện miền núi Hướng Hóa, ngoài vốn từ ngân sách Trung ương và địa phương, tỉnh Quảng Trị còn huy động hiệu quả nguồn lực từ các doanh nghiệp để làm đường giao thông, giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Điển hình là các doanh nghiệp đầu tư vào làm điện gió ở huyện miền núi Hướng Hóa đã mở trên 80km đường giao thông công vụ phục vụ thi công dự án có tổng trị giá 800 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành dự án, 80km đường giao thông công vụ này đã được bàn giao cho các địa phương quản lý, sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án điện gió cũng đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 500 lao động địa phương.
Ưu tiên phát triển giáo dục
Hoạt động ngoài trời của các em học sinh Trường Tiểu học Thanh, huyện Hướng Hóa. Ảnh: TL |
Giai đoạn từ năm 2021-2025, kế hoạch ngân sách Trung ương bố trí cho tỉnh Quảng Trị là gần 1.479 tỷ đồng để thực hiện các dự án ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư những nơi cần thiết; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất; phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà trọng tâm là chính sách hỗ trợ đối với học sinh dân tộc thiểu số và miền núi.
Được biết, năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 150 cơ sở giáo dục đào tạo; trong đó có 4 trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, 11 trường phổ thông dân tộc bán trú (3 trường tiểu học, 4 trường THCS và 4 trường TH&THCS).
Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 20/7/2019 của HĐND tỉnh về phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tỉnh Quảng Trị đến năm 2015, định hướng đến năm 2030…Tất cả những chính sách nêu trên đã tạo điều kiện quan trọng để cán bộ, giáo viên và học sinh vùng đồng bào DTTS có thêm trang thiết bị dạy học, chế độ ăn uống, sinh hoạt khá đầy đủ, góp phần duy trì tỉ lệ học sinh đến lớp, hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng, thúc đẩy quá trình nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Để đảm bảo sĩ số và chất lượng từng năm học, ngành giáo dục “giữ chân” học sinh ở lại trường nhiều hơn bằng các chính sách hỗ trợ đặc thù của Chính phủ và của tỉnh. Nếu như trước đây tình trạng học sinh bỏ học, không đến trường ở 3 cấp như các Trường THPT số 2 Đakrông (huyện Đakrông).
Trường THPT A Túc, Trường THPT Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa)… là đáng báo động, thì từ khi có sự quan tâm triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh DTTS và miền núi đã giúp các em đến trường đều đặn hơn, góp sức vào việc ngăn tình trạng bỏ học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Đến năm học 2022 - 2023, tỉ lệ huy động trẻ đến trường ở cả 3 cấp học trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả đáng phấn khởi. Đối với cấp học mầm non 5 tuổi và cấp tiểu học cả 4 huyện (Đakrông, Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Gio Linh) có học sinh DTTS và miền núi đều đạt 100%; đối với cấp học THCS ở 2 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh đạt 100%, riêng huyện Đakrông đạt 93,2%, huyện Hướng Hóa đạt 92,89%.
Ngoài ra, tỉnh đã và đang lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình xây dựng nông thôn, giảm nghèo bền vững, xóa nhà tạm… để đầu tư đường giao thông; hỗ trợ người dân kỹ thuật, giống và vốn để xây dựng các mô hình kinh tế từ rừng; di dời tái định cư cho những hộ dân sinh sống ở vùng nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống. Tỉnh cũng vận động các tổ chức quốc tế tài trợ, thực hiện nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi và dân tộc như rà phá bom mìn, xây dựng các mô hình kinh tế từ rừng, xây dựng trường học.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Trị có hơn 192.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số gần 95.000 người. Đời sống ở vùng này ngày càng được cải thiện khi 100% xã, thôn, bản có điện lưới quốc gia với gần 99% hộ sử dụng điện; 100% xã được phủ sóng truyền hình, đường giao thông đến trung tâm xã, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 77% thôn, bản có đường giao thông được cứng hóa đến trung tâm xã. |