Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số
Thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, Bắc Kạn tích cực thực hiện Chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia. Toàn tỉnh tập trung khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của từng địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Tiếp tục xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn vùng DTTS đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Những năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn đã huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng sâu, vùng xa. |
Năm 2023, tỉnh Bắc Kạn được giao hơn 1.200 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó tỉnh đã dành hơn 270 tỷ đồng để thực hiện Dự án 3: “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”.
Dự án này gồm 2 tiểu dự án: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện, tỉnh Bắc Kạn đang tập trung để đẩy mạnh thực hiện, vì đây là nội dung gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong việc tạo sinh kế bền vững cho người dân.
![]() |
Mô hình sản xuất các loại nấm sò, nấm mộc nhĩ và nấm hương đem lại thu nhập cao |
Đơn cử, tại Pác Nặm với đặc thù là huyện khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn, trong năm 2023 cũng đã thực hiện 4 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng về chăn nuôi và trồng trọt tại 2 xã Bằng Thành và Bộc Bố. Các dự án được ưu tiên triển khai thực hiện tại những thôn vùng cao, nơi tập trung nhiều hộ đồng bào DTTS.
Trong đó, các hộ tham gia dự án sẽ được tạo điều kiện hỗ trợ con giống, thức ăn, vật tư, tập huấn chuyển giao kỹ thuật để phát triển sản xuất quy mô lớn. Đặc biệt, dự án hướng tới mục tiêu tạo thành sản phẩm hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị, năng suất và chất lượng sản phẩm. Từ đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào DTTS trên địa bàn
Tại xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông từ dự án hỗ trợ sản xuất cộng đồng, địa phương đã thực hiện hỗ trợ dự án trồng nấm cho 7 hộ dân thôn Bản Đán với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng. Mô hình sản xuất các loại nấm sò, nấm mộc nhĩ và nấm hương. Đến nay những hộ dân tham gia đã có công việc ổn định và thu nhập, bước đầu nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng cũng; xây dựng và nhân rộng mô hình hộ gia đình tự vươn lên thoát nghèo, tạo việc làm ổn định, bảo đảm các điều kiện thiết yếu về nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận các dịch vụ y tế, dạy nghề cho các hộ nghèo, nhất là các hộ nghèo là đồng bào DTTS ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư hỗ trợ hạ tầng, tạo điều kiện cho địa phương phát triển bền vững
Tỉnh Bắc Kạn sẽ tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, vùng đồng bào DTTS. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, vùng đồng bào DTTS đồng bộ; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Trong 2 năm (2022-2023) UBND tỉnh Bắc Kạn đã giao kinh phí 54 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Các mô hình đã được triển khai như liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bí xanh, bí đỏ của Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Na Rì; liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm bí xanh, mướp đắng rừng và nghệ trên địa bàn huyện Pác Nặm của Hợp tác xã Giáo Hiệu; trồng và tiêu thụ khoai tây nguyên liệu của huyện Bạch Thông; nuôi gà lông màu trên địa bàn huyện Na Rì; chăn nuôi trâu bò huyện Ngân Sơn…Đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng UBND tỉnh Bắc Kạn giao kinh phí thực hiện 111 dự án (năm 2022 là 42 dự án; năm 2023 là 69 dự án), hiện thẩm định và triển khai 40 dự án. Các mô hình được tổ chức thực hiện dựa trên nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số về các sản phẩm hiện có và sản phẩm tiềm năng của địa phương. |
Tỉnh Bắc Kạn còn chú trọng đầu tư mở các tuyến đường lâm nghiệp, xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung, phát triển đa dạng hàng hóa nông sản… Nhờ đó, nhiều năm trở lại đây, sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ và sản xuất hàng hóa.
Đáng chú ý, mới đây, ngày 17/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cùng đoàn công tác đã tới thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn. Cũng trong buổi làm việc, Bộ Tài chính đã kết nối hỗ trợ Bắc Kạn làm nhà cho hộ nghèo trên địa bàn.
Đáng chú ý, sau khi nghe lãnh đạo tỉnh và một số sở, ngành của tỉnh Bắc Kạn nêu những khó khăn, vướng mắc về hoàn thuế; công tác kiểm soát chi, tăng cường chất lượng hồ sơ tài chính từ cấp xã; những bất cập liên quan đến vấn đề đào tạo, quy hoạch... đại diện lãnh đạo các cục, vụ của Bộ Tài chính đã thảo luận, hướng dẫn những nguyên tắc để tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc hoàn thuế; trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo ngành thuế; việc tháo gỡ những khó khăn trong giải ngân vốn ngân sách các chương trình, dự án; đề nghị tỉnh cần làm rõ tính cấp bách của dự án thoát lũ, vượt dòng để bảo đảm quy định trong giải ngân vốn ngân sách dự phòng...
![]() |
Tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững |
Đồng thời, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị, tỉnh Bắc Kạn cần nghiên cứu kỹ và vận dụng tốt các quy định về sử dụng ngân sách đầu tư công; phát triển cơ sở hạ tầng để kết nối vùng, rút ngắn khoảng cách về giao thông thông qua nguồn vay ODA, vốn ngân sách...
Tăng cường tiếp cận, vận động doanh nghiệp để thu hút đầu tư gắn với tiềm năng của tỉnh và vùng nguyên liệu như chăn nuôi, sản phẩm gỗ, sản phẩm nông nghiệp... qua đó tiêu thụ sản phẩm cho người dân và tăng quy mô kinh tế của tỉnh; có những cách làm sáng tạo, đầu tư nhiều hàm lượng khoa học công nghệ vào các mô hình sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan hành chính và doanh nghiệp; thực hiện tốt việc bồi dưỡng, tạo nguồn tại chỗ và thực hiện công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo ngành thuế.../.