Ông Trần Quang Sơn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Bạc Liêu cho biết, với 16 chương trình tín dụng, đến nay đã có 83.858 lượt khách hàng vay với tổng dư nợ hơn 2.376 tỷ đồng. Cụ thể như, từ việc giải ngân kịp thời 1.186 tỷ đồng giúp hơn 43.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có vốn để sản xuất – kinh doanh, góp phần giảm gần 8.000 hộ nghèo và giảm hộ nghèo từ 4,3% (đầu năm 2019) giảm xuống còn 0,37% vào cuối năm 2021.

“Song song đó, Ngân hàng CSXH còn giải ngân 317 tỷ đồng để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho gần 11.000 lao động; cho hơn 10.300 hộ thuộc các xã vùng khó khăn vay trên 326 tỷ đồng để phục vụ việc sản xuất – kinh doanh. Ngoài ra, Ngân hàng CSXH tỉnh còn đầu tư cho vay 256 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng trên 15.800 công trình nước sạch và trên 12.600 công trình vệ sinh ở nông thôn... Tất cả những chương trình tín dụng trên đã và đang tạo nên động lực trong việc góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh cho nhân dân” – ông Sơn nói.

Bạc Liêu: Chính sách tín dụng là nguồn lực để đồng bào Khmer giảm nghèo
Nhờ vào đồng vốn vay tín dụng chính sách đã giúp nông dân Khmer có điều kiện phát triển sản xuất và giảm nghèo bền vững.

Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi – Bạc Liêu) là xã có đông đồng bào Khmer (chiếm gần 68%), trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội là “cứu cánh”, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng nhà ở, các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, đầu tư cho học sinh, sinh viên vay học tập… tạo điều kiện để nhiều hộ vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, chất lượng cuộc sống dần được nâng lên.

Chị Sơn Thị Hồng Sen - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Cái Giá (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi), cho biết: “Tổ Tiết kiệm và vay vốn ấp Cái Giá có 58 tổ viên (đa số là đồng bào Khmer), có số dư nợ cao với gần 2 tỷ đồng, chất lượng hoạt động tín dụng tốt. Các tổ viên đã sử dụng đúng mục đích, hiệu quả đồng vốn thông qua các mô hình sản xuất như chăn nuôi bò, nuôi heo, vịt, gà, trồng rau màu, buôn bán nhỏ… Nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đời sống của các thành viên trong tổ ngày càng ổn định và được nâng lên”.

Anh Danh Nhung - thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Cái Giá chia sẻ: “Từ khi được tham gia vào tổ vay vốn tiết kiệm để phát triển kinh tế, gia đình tôi có điều kiện cải tạo lại đất, đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ cho việc trồng màu, mua hạt giống... Nhờ vậy, kinh tế giờ đã ổn định hơn trước rất nhiều. Gia đình đã xây được căn nhà khang trang, kiên cố thay cho căn nhà dột nát trước đây. Tôi rất cảm ơn chính quyền địa phương đã quan tâm và tạo điều kiện cho gia đình tôi có được cuộc sống như hôm nay”.

Bạc Liêu: Chính sách tín dụng là nguồn lực để đồng bào Khmer giảm nghèo
Mô hình nuôi dê từ đồng vốn tín dụng chính sách xã hội của hộ ông Danh Sua, ấp Tân Ðiền, xã Điền Hải (huyện Đông Hải) giúp ông thoát nghèo.

Ông Nguyễn Hoàng Em - Chủ tịch xã Hưng Hội cho biết: “Với việc được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, bà con người dân tộc Khmer có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Từ nguồn vốn này đã giúp đồng bào sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, nhiều hộ thoát nghèo bền vững, có cuộc sống ổn định, góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, nếu như năm 2016, xã có 610 hộ nghèo (chiếm 20,5%), hiện nay chỉ còn 47 hộ nghèo (chiếm 1,6%). Ðời sống kinh tế của đồng bào Khmer trong xã ngày càng phát triển, nhiều gia đình xây nhà cửa khang trang với nhiều vật dụng giá trị, có điều kiện cho con ăn học đàng hoàng, xã đang phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2022”.

Ngày nay, đồng bào Khmer trong các ấp xã Điền Hải (huyện Đông Hải) đã sử dụng đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH thâm canh ruộng lúa làm ra hạt gạo trắng, cải tạo bãi biển sình lầy thành ao đầm nuôi tôm sú, cá bống tượng, phát triển ngành nghề truyền thống. Cuộc sống của người dân tộc ở ấp Tân Ðiền, xã Điền Hải thêm no đủ từ đồng vốn tín dụng ưu đãi. Gia đình ông Danh Sua, ấp Tân Ðiền, xã Điền Hải (huyện Đông Hải) trước đây là hộ nghèo, chỉ có 5 công đất sản xuất nên thu nhập không cao. Ðể giúp hộ ông Sua có điều kiện phát triển kinh tế, Ngân hàng CSXH huyện Đông Hải hỗ trợ vay 30 triệu đồng. Có vốn ưu đãi ông Sua mua 10 con dê về nuôi. Ðến nay, gia đình đã nhân giống được 20 con. Kinh tế dần ổn định, ông Sua đã làm đơn xin thoát nghèo.

Ông Danh Sua bày tỏ: “Với số tiền vay, gia đình đầu tư mua dê giống, cũng như cải tạo đất, mua thêm tôm, cua nuôi. Nhờ vậy, cuộc sống đỡ vất vả hơn và các con cũng yên tâm học hành. Tôi rất cảm ơn Ngân hàng CSXH đã quan tâm hỗ trợ kịp thời cho tôi”.

Ông Bùi Minh Túy - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Bạc Liêu cho biết, Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhiều năm qua được ví như những “cánh tay” nối dài của Ngân hàng CSXH được phân bổ rộng khắp tất cả các ấp, khóm trong tỉnh, phương thức cho vay ủy thác đã gắn kết ngân hàng chính sách – chính quyền – hội, đoàn thể – tổ tiết kiệm và vay vốn, đến đúng đối tượng thụ hưởng, đã góp phần tích cực, hiệu quả vào mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở Bạc Liêu.

“Trong những năm qua, mặc dù chịu sự ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid - 19, nhưng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị nên hoạt động và chất lượng tín dụng không ngừng phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh, nhất là công tác giảm nghèo, an sinh xã hội” – ông Túy nói.

Có thể khẳng định, công cuộc thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bạc Liêu được thực hiện nhờ “bà đỡ” là Ngân hàng CSXH, các chương trình cho vay đã đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chung sức xây dựng, phát triển quê hương./.