Khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có

Nghị quyết 08 NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn đã khẳng định, sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH), tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Biến di sản văn hóa dân tộc thành nguồn lực phát triển kinh tế địa phương
Biến di sản văn hóa dân tộc thành nguồn lực phát triển kinh tế địa phương. Ảnh TL minh họa

Vì vậy, phát triển du lịch gắn với bảo tồn các DSVH nói chung và của đồng bào dân tộc nói riêng có ý nghĩa thiết thực, cụ thể, vừa là vấn đề mang tính cấp bách trước mắt, vừa là yêu cầu, nhiệm vụ mang tính chiến lược cơ bản lâu dài để bảo đảm cho sự phát triển bền vững không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn mãi về sau.

Thực hiện Nghị quyết 08 NQ/TW, nhiều địa phương đã lồng ghép việc bảo tồn DSVH với phát triển du lịch tại địa phương vừa giúp các DSVH được lưu giữ vừa mang lại nguồn phát triển kinh tế cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc và cho địa phương.

Quảng Ninh là một địa phương có nhiều đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có một bản sắc riêng, tạo cho địa phương sự phong phú, đa dạng về văn hóa. Các DSVH của Quảng Ninh trải dài từ Đông Triều đến Móng Cái cho đến các đảo xa đất liền như Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng... Những hình thái diễn xướng như hát giao duyên của ngư dân trên Vịnh Hạ Long, hát soóng cọ của người Sán Chỉ, hát soọng cô của người Sán Dìu, lễ cấp sắc của người Dao, những tác phẩm văn học truyền miệng và còn rất nhiều những sắc thái văn hóa đa dạng khác còn tiềm ẩn chưa được khai thác đã tạo nên một nền văn hóa đa sắc tộc cho Quảng Ninh. Đây chính là điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh xây dựng thương hiệu du lịch của mình.

Thời gian qua, bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và huy động xã hội hóa, ngoài việc phát triển du lịch từ các danh lam thắng cảnh mà thiên nhiên đã ưu đãi dành tặng, tỉnh Quảng Ninh đã gắn du lịch với các hình thái văn hóa của đồng bào dân tộc. Theo đó, khách du lịch đến với Quảng Ninh đều vô cùng thích thú vì được trải nghiệm các DSVH cùng đồng bào dân tộc nơi đây.

Để biến tài nguyên thành tài chính, biến văn hóa thành hàng hóa, biến môi trường thành thị trường, thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Hiện tỉnh Lai Châu có 1.199 di sản được kiểm kê; 5 hồ sơ khoa học DSVH phi vật thể được đề nghị đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia; 1 di sản được UNESCO vinh danh; 13 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; 56 lễ hội tiêu biểu của các dân tộc được nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phục dựng và duy trì tổ chức thường niên.

Giai đoạn 2016-2020, tổng lượt khách du lịch đến với Lai Châu đã tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt trên 2.271,6 tỷ đồng.

Tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với phát triển đất nước khi khẳng định "Văn hóa soi đường quốc dân đi". Điều này cho thấy, văn hóa chính là hồn cốt của một dân tộc, là nguồn lực quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững đất nước.

Đảng và Nhà nước ta cũng luôn xác định văn hóa của đồng bào dân tộc là di sản quý báu, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc, đặc biệt là văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng, tạo nên sức mạnh bền vững, trường tồn để đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Tại rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước đều khẳng định, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số là một vấn đề cần thiết và cấp bách, đặc biệt là trong xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Để công tác này đạt hiệu quả mong muốn trong giai đoạn 2021-2030, các cơ quan chức năng cần chú trọng đổi mới chính sách về văn hóa dân tộc theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài; hỗ trợ việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch...”.

Phát huy những kết quả đạt được và góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, các địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống đã đề ra những mục tiêu, kế hoạch cho công tác này.

Cụ thể, tại tỉnh Lai Châu, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, đề án về “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó, đưa ra những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện trong giai đoạn này.

Phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, bên cạnh làm tốt công tác bảo tồn, Quảng Ninh cũng đang tập trung khai thác các yếu tố đặc trưng văn hóa của địa phương để xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch với đặc thù, cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển, định vị và quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch Quảng Ninh dựa vào những giá trị nổi bật về di sản, những giá trị chân thực về văn hóa truyền thống, lối sống địa phương. Đồng thời phát huy các giá trị di sản, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh công tác bảo tồn, trùng tu di tích đúng quy cách sẽ là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch có chiều sâu và bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành du lịch cũng như vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.