Phát triển kinh tế ngày càng có vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số

Trong những năm gần đây, các nội dung liên quan đến phát huy vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bộ, ngành trung ương đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện bằng các chương trình, đề án quan tâm, chăm lo cho đội ngũ lao động nữ.

Bình đẳng giới giúp xóa rào cản, đưa phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên làm kinh tế
Bình đẳng giới giúp xóa rào cản, đưa phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên làm kinh tế. Ảnh minh họa

Theo đó, tại nhiều địa phương, các cấp chính quyền đã dành sự quan tâm cụ thể, tạo điều kiện để phụ nữ DTTS tham gia các thị trường lao động, trong đó quan tâm nâng cao kỹ năng, năng lực cho lao động nữ thông qua các chương trình đạo tạo, dạy nghề. Hiện nay, lực lượng nữ DTTS tham gia vào các thị trường lao động, nhất là những lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng, tay nghề cao ngày càng đông.

Cùng với đó, các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” cùng hai cuộc vận động: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực sự là đòn bẩy đưa phong trào phụ nữ ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Đặc biệt, với đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2018-2025" đã tạo sự chuyển biến thực chất về bình đẳng giới trong đồng bào DTTS, đưa chị em đến gần với các hoạt động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Hiện nay, phụ nữ DTTS không những vượt qua rào cản xã hội, dần thể hiện được quyền bình đẳng trong đời sống mà còn tham gia nhiều hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực trong xã hội. Cụ thể, lĩnh vực giáo dục - đào tạo, học sinh dân tộc tham gia học tập ngày càng đông, tỷ lệ học sinh nam, nữ không còn sự chênh lệch nhiều. Phụ nữ DTTS được đào tạo nghề, hỗ trợ lao động việc làm và đồng bào DTTS đều có bảo hiểm y tế, được chăm sóc sức khỏe. Ở lĩnh vực kinh tế, chính trị, vai trò của phụ nữ ngày càng nâng cao vì chị em đã tích cực tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; làm tăng sản phẩm cho xã hội, thu nhập của gia đình.

Đánh giá về hiệu quả từ việc triển khai đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2018-2025", bà Hoàng Thị Hạnh - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, việc tổ chức triển khai thực hiện đề án đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, vị thế của phụ nữ người DTTS trong các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội được nâng lên.

Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ người DTTS tham gia cấp ủy, chính quyền, hội đồng nhân dân, Quốc hội... có xu hướng tăng; tỷ trọng việc làm của lao động nữ DTTS trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 83,8% xuống 76,4% và tăng lên trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; tỷ lệ phụ nữ DTTS biết đọc, biết viết tiếng phổ thông cũng tăng dần qua mỗi năm.

Bình đẳng giới tiếp tục là nhiệm vụ cấp thiết

Dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo tổng hợp báo cáo của Ủy ban Dân tộc, vẫn còn một số khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác bình đẳng giới như: Công tác tuyên truyền, vận động ở một số địa phương chưa được sâu rộng, hiệu quả. Định kiến về giới còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người dân. Vẫn còn cán bộ chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của bình đẳng giới.

Để tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới, thay đổi những quan niệm lạc hậu mang tính định kiến giới ở vùng DTTS, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đăng giới giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu tổng quát “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, nước ta có ít nhất 80% hộ gia đình DTTS được tiếp cận thông tin, kiến thức pháp luật về bình đẳng giới; 30 - 50% các xã có đồng bào DTTS sinh sống xây dựng mô hình bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối phụ nữ, trẻ em gái.

Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Hạnh, để thực hiện thành công mục tiêu này thì việc thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng DTTS cần gắn liền với phát triển đồng bộ về hạ tầng cơ sở thiết yếu và phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Khi kinh tế phát triển, trình độ dân trí được nâng lên, thì ý thức của người dân về bình đẳng giới trong cộng đồng người DTTS cũng sẽ được cải thiện.

Điều đó có nghĩa là thúc đẩy bình đẳng giới cần phải được ưu tiên trong mọi lĩnh vực, hoạt động. Qua thực tế triển khai cho thấy, tại các địa bàn được quan tâm triển khai thực hiện bình đẳng giới, nơi đó có những dấu hiệu tích cực chuyển biến nhận thức xã hội đối với công tác bình đẳng giới.

Do đó, theo bà Hoàng Thị Hạnh, cần áp dụng, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả tại cấp cơ sở, tăng cường giáo dục pháp luật, kiến thức về bình đẳng giới tại vùng DTTS bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bảo DTTS để lan tỏa tới cộng đồng những thông điệp ý nghĩa về bình đẳng giới.