Bình Thuận: Lễ hội Katê của người Chăm được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Các thiếu nữ Chăm múa mừng Lễ hội Katê.

Cụ thể tại quyết định số 776/QĐ-BVHTTDL, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Lễ hội Katê người Chăm tỉnh Bình Thuận diễn ra vào đầu tháng 7 Chăm lịch, thường trùng vào tháng 10 dương lịch, là lễ hội dân gian có từ lâu đời và đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Bình Thuận. Đây là dịp họ tưởng nhớ, bày tỏ lòng thành kính, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an… đến tổ tiên, những người có công lao to lớn trong việc dẫn thủy nhập điền và được ví như những vị thần linh.

Vào lễ hội Katê, không chỉ người Chăm ở Bình Thuận mà người Chăm sinh sống, làm việc ở khắp mọi nơi đều trở về đoàn tụ và quây quần cùng gia đình, bạn bè và người thân.

Từ năm 2000, lễ hội Katê đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp vào một trong 15 lễ hội lớn nhất ở Việt Nam.

Năm 2005, lễ hội Katê được tỉnh Bình Thuận phục dựng tại tháp Pô Sah Inư (phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết) và trở thành một trong 6 lễ hội tiêu biểu được tỉnh lựa chọn để phát triển du lịch. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của đồng bào Chăm mà lễ hội Katê còn góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh Bình Thuận đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bên cạnh các nghi lễ truyền thống như lễ rước y trang của nữ thần Pô Sah Inư lên tháp, lễ mở cửa tháp chính, nghi thức tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục, đại lễ cúng mừng Katê tại tháp chính…, lễ hội Katê còn có phần hội với các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Chăm như thi đi cà kheo, làm bánh gừng, thi giã gạo, đội nước vượt chướng ngại vật…

Được biết, Bình Thuận hiện có gần 40.000 người Chăm sinh sống, tập trung tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh… Ngoài lễ hội Katê, người Chăm ở Bình Thuận còn có nhiều lễ hội mang nét văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc như: Rijanưgar, Súc dâng, Tết Ramưwan…

Tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng gần 40.000 người Chăm sinh sống rải rác từ các huyện: Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh… Bên cạnh tạo điều kiện cho cộng đồng người Chăm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội Katê trên tháp Pô Sah Inư còn thu hút đông đảo người dân và du khách đến đây vui chơi cũng như nghiên cứu, thưởng thức văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm.

Những năm qua, bên cạnh về đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói chung và đồng bào Chăm nói riêng, tỉnh Bình Thuận đã, đang bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc Chăm như: bảo tồn và phát triển nghề làm gốm truyền thống, các lễ hội của người Chăm, xây dựng Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm….