Cà Mau chính sách tín dụng “Đòn bẩy” cho hộ nghèo phát triển
Ông Hữu Duôl ở ấp Tân Ðiền B (xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi) chăm sóc ao nuôi tôm sú, từ vốn vay ưu đãi đã giúp gia đình thoát nghèo bền vững.

Nhiều hộ thoát nghèo nhờ được vay vốn

Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Cà Mau, hiện nay chi nhánh này đang quản lý và triển khai cho vay 16 chương trình tín dụng chính sách. Nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách đã được triển khai đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần giúp các hộ vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Ðến thời điểm này, tổng dư nợ cho vay hơn 369 tỷ đồng, của 14 chương trình. Dư nợ bình quân 1 xã hơn 23 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn vay này, rất nhiều hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Kết quả đó có đóng góp không nhỏ của tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Họ là những người ở cơ sở, gần dân nhất, luôn sát cánh cùng hộ vay trong quá trình sử dụng vốn. Cà Mau đã xây dựng được mạng lưới 2.567 tổ TK&VV tại khắp các khóm, ấp để tiếp tục chuyển tải kịp thời vốn chính sách đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng thụ hưởng khác.

"Đến cuối quý I/2022, dư nợ của các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác đều tăng, với tổng dư nợ uỷ thác là 3.139 tỷ đồng, tăng so với đầu năm là 74 tỷ đồng, có 123.003 hộ vay còn dư nợ, tăng so với đầu năm là 117 hộ” - ông Thanh nói.

Thực hiện phương thức ủy thác, NHCSXH huyện Ðầm Dơi tổ chức được mạng lưới hoạt động rộng khắp, với hơn 70 cán bộ quản lý hội, đoàn thể uỷ thác cấp huyện, xã và 375 tổ TK&VV làm công tác uỷ nhiệm.

Cà Mau: Chính sách tín dụng là “đòn bẩy” cho hộ nghèo phát triển
Chính sách tín dụng trợ lực giúp chị Thạch Sà Phươl ở ấp Tapasa 1, (xã Tân Phú, huyện Thới Bình) thực hiện mô hình trồng màu cho hiệu quả, giúp chị có thu nhập ổn định.

Tại xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, ông Hữu Duôl (dân tộc Khmer) sống tại ấp Tân Ðiền B là một trong những hộ gia đình sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay của NHCSXH. Ông Hữu Duôl chia sẻ: “Được NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng, gia đình tôi đầu tư vào nuôi tôm sú. Tiền lãi thu được không những đã trả được lãi ngân hàng mà còn dư gửi tiết kiệm. Mỗi năm, gia đình tôi cũng trích ra một phần để mở rộng mô hình sản xuất. Năm 2019 gia đình đã thoát nghèo”.

Trợ lực các hộ nghèo đồng bào Khmer vươn lên thoát nghèo

Hiện tại, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được triển khai đều khắp các xã của Cà Mau, đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo đồng bào Khmer có nhu cầu, đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi. Nhờ mạnh dạn vay vốn của NHCSXH nên đã thoát nghèo bền vững.

Tân Phú (huyện Thới Bình - Cà Mau) là xã có 262 hộ dân tộc sinh sống, tập trung ở 2 ấp Ðầu Nai và Tapasa 1. Ông Trần Văn Bảo - Phó Chủ tịch xã Tân Phú cho biết, so với trước đây, cuộc sống của đồng bào Khmer có bước phát triển. Những khu vực không chuyển dịch sản xuất thì trồng rẫy, những nơi đã chuyển dịch thì trồng lúa kết hợp nuôi tôm, cua. Với việc được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, bà con có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Cà Mau: Chính sách tín dụng là “đòn bẩy” cho hộ nghèo phát triển
Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách ông Thạch Bình ở ấp 5, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh (Cà Mau) đầu tư mô hình nuôi dê sinh sản, giúp ông có thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững.

“Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp đồng bào Khmer sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế nâng cao đời sống. Nhiều hộ thoát nghèo bền vững, có cuộc sống ổn định, góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương” - ông Bảo nói.

Điển hình như gia đình chị Thạch Sà Phươl (ấp Tapasa 1, xã Tân Phú). Trước đây, cả gia đình 4 người chỉ trông chờ vào thu nhập ít ỏi từ 2 công đất rẫy canh tác không hiệu quả. Thấu hiểu gia đình chị, Tổ TK&VV đã giúp chị tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH. Có vốn, chị khoan cây nước, mua máy bơm nước, cải tạo đất… Trồng nhiều loại rau theo mùa, nhưng chị dành nhiều đất hơn để trồng rau muống, vì loại rau này từ gieo hạt đến khi thu hoạch chỉ có 20 ngày.

Hiện nay, mỗi ngày chị thu hoạch khoảng 70 - 80kg rau muống, giá bán từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, cho thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày. Chị Sà Phươl cho biết: “Gia đình tôi có được cuộc sống ổn định như hôm nay chính là nhờ NHCSXH huyện hỗ trợ cho vay 40 triệu đồng để làm vốn sản xuất. Tôi sẽ nỗ lực hơn nữa, hoàn trả vốn vay cho Nhà nước để những hộ khó khăn hơn tôi được nhận chính sách ưu đãi này”.

Theo bà Nguyễn Thu Tư - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Cà Mau, thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 (Chỉ thị số 05), sở đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực, tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách, điều tra phân loại để xác định nguyên nhân, nhu cầu, lồng ghép tốt các chính sách xã hội với công tác giảm nghèo.

“Bằng nhiều giải pháp hiệu quả, đến cuối năm 2021 Cà Mau còn 4.310 hộ nghèo, trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 729 hộ, chiếm 6,23% tổng số hộ đồng bào DTTS; hộ cận nghèo còn 4.688 hộ; hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 504 hộ, chiếm 4,31% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số” - bà Tư nói.

Ngày nay trên mảnh đất Cà Mau, đã hình thành một dây chuyền gắn kết 4 nhà là “ngân hàng - chính quyền - tổ chức chính trị xã hội - Tổ TK&VV” trợ lực giúp người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.