PV: Thưa ông, thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa đặc sản địa phương nói chung và sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng vào các kênh phân phối như thế nào? Việc thực hiện những chính sách này đã có kết quả ra sao?

Ông Nguyễn Văn Hội: Trong khoảng 10 năm trở lại đây, thực hiện các quyết định của Chính phủ về phát triển thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phát triển miền núi vùng sâu vùng xa và hải đảo, Chương trình về thương hiệu quốc gia đã mang lại kết quả đáng khích lệ.

Còn nhiều gian nan tiêu thụ đặc sản cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Bà con đồng bào dân tộc miền núi giới thiệu đặc sản Tây Bắc ở hội chợ quảng bá sản phẩm diễn ra trong tháng 9/2023 tại Hà Nội. Ảnh: Hải Anh
Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã xây dựng được các mặt hàng đặc trưng đặc sản, lợi thế của địa phương thâm nhập vào hệ thống phân phối hợp lớn, đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng như mẫu mã, quy cách đóng gói, các yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội cũng như thị trường tiêu dùng tại thành phố lớn và xuất khẩu.

Điển hình, hai năm gần đây, nhiều sản phẩm đặc sản của tỉnh Yên Bái đã có mặt tại các siêu thị lớn ở Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước, từ đó nâng cao thương hiệu và giá trị trong sản xuất nông, lâm nghiệp của địa phương.

Đây là các đặc sản quý mang tính đặc sắc của vùng miền cao, có nguồn gốc tự nhiên, có vùng nguyên liệu an toàn, hữu cơ, được sản xuất truyền thống như: bưởi Đại Minh, gạo nếp Tú Lệ, miến đao Giới Phiên, thịt sấy gác bếp, quế Văn Yên, lạc đỏ Lục Yên.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, hiện vẫn còn rất nhiều sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chủ yếu thông qua các hình thức truyền thống, quảng bá qua các kênh hội chợ, triển lãm.

Hiện vẫn còn rất nhiều sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa vào được các hệ thống phân phối hiện đại. Tỷ lệ các sản phẩm này còn rất thấp ở các kệ hàng hóa trong các siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Vì vậy, rất cần có những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia sâu hơn vào các hệ thống phân phối.

PV: Ông có thể cho biết cụ thể hơn những khó khăn cốt lõi trong việc tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi hiện nay, đặc biệt là đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại. Đâu là nguyên nhân khách quan và chủ quan?

Ông Nguyễn Văn Hội: Theo tôi, có 3 vấn đề cốt lõi khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi hiện nay có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Còn nhiều gian nan tiêu thụ đặc sản cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Ông Nguyễn Văn Hội

Thứ nhất, kinh tế xã hội khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tuy đã phát triển nhưng khoảng cách rất xa so với các trung tâm kinh tế, các thành phố của cả nước. Điều kiện hạ tầng và tất cả mọi mặt vẫn còn kém, còn gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy mà thực tế là sản xuất, hệ thống phân phối sẽ kéo theo những khó khăn trong việc kết nối giữa hàng hóa khu vực này với các hệ thống phân phối hiện đại cho Nhà nước.

Thứ hai, các mặt hàng mặc dù có lợi thế về tất cả mọi mặt, thế nhưng để có được sản lượng lớn thì cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi vì hàng hóa khu vực này có những đặc trưng, đặc sản, chủ yếu là mặt hàng nông nghiệp, lâm sản, các mặt hàng gia vị, theo điều kiện địa lý khác nhau, khi cầu nhiều thì cung không đủ.

Thứ ba, do tính chất của mùa vụ, mùa nào thức nấy đã khiến chúng ta gặp khó khăn trong kết nối bền vững. Tất nhiên là khoa học công nghệ có phát triển vẫn có những sản phẩm trái vụ nhưng mà vẫn bị ảnh hưởng do tính chất thời vụ.

Trong khi đó, doanh nghiệp, các thương nhân, hợp tác xã khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gặp nhiều khó khăn về tất cả mọi mặt, năng lực, trình độ quản lý để mà tiếp cận, để mà kết nối làm sao mà xây dựng được quản lý được chuỗi sản xuất, quy trình sản xuất đáp ứng được tất cả, kết nối được với thị trường cũng thực sự là những khó khăn.

PV: Chúng ta đã nhận diện được các điểm hạn chế trong tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vậy theo ông đâu là giải pháp cho thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Hội: Theo tôi, trong thời gian tới, các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các hoạt động hỗ trợ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển sản phẩm mang đậm đặc trưng dân tộc.

Đồng thời, hoàn thiện chính sách; giải quyết các vấn đề về kho bãi, logistics; triển khai các hạ tầng thương mại, đặc biệt là chợ đầu mối; tăng cường công tác truyền thông và quảng bá sản phẩm cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, phát triển trên các kênh thương mại điện tử, kết nối trực tiếp giữa các hợp tác xã, các doanh nghiệp tại khu vực sản xuất này đến với các nhà phân phối hiện đại trên cả nước, cũng như là các lĩnh vực có liên quan đến người tiêu dùng.

Đây cũng là một trong những kênh phân phối rất quan trọng cho mà các chương trình khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các cơ quan quản lý nước, cần phải tập trung hơn nữa về thương mại điện tử để hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa đặc trưng, đặc sản.

Đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối hiện đại

Hiện nay việc tiêu thụ sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào hệ thống phân phối hiện đại đã được các cấp, các ngành và địa phương doanh nghiệp rất quan tâm.

Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng cần có những giải pháp đồng bộ hơn về mặt tổ chức, công nghệ và nhân lực để sản phẩm, hàng hóa của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có thể đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, tham gia bền vững vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.