Đặc sắc các điệu múa Khmer

2 loại hình múa Khmer

Người Khmer có câu nói ví von: “Trẻ con Khmer biết múa, biết hát trước khi biết đọc, biết viết”. Câu nói ấy đã minh chứng sự ảnh hưởng sâu rộng của ca, múa, âm nhạc Khmer trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer. Nghệ thuật múa Khmer được chia thành hai loại hình rõ nét: múa cung đình và múa dân gian.

Theo Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Mô Ly - Trưởng đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu, nghệ thuật múa cung đình nổi bật với điệu múa Apsara, tiên giáng trần, dâng hoa…sử dụng tiết tấu chậm rãi, cử chỉ, điệu bộ mềm mại và khoan thai… Từ ngón tay cho đến gót chân đều có “tiếng nói” riêng, động tác sử dụng phải thật uyển chuyển. Trang phục sử dụng lấp lánh, mão đội phải cao thể hiện sự uy nghi, sang trọng. Ngoài ra, việc sắp xếp đội hình và di chuyển khi múa sao cho đan xen, nhịp nhàng… cũng là điều làm nên thành công cho điệu múa cung đình.

“Trước đây, múa cung đình chỉ phục vụ vua chúa, nhưng nay đã được phổ biến rộng rãi đến người dân thông qua việc đưa lên sân khấu, sử dụng nhiều trong các lễ hội của đồng bào Khmer” – anh Mô Ly nói.

Đặc sắc nghệ thuật múa Khmer

Một trong những vũ điệu cung đình công phu, độc đáo, ấn tượng và thu hút đông đảo công chúng yêu thích của đồng bào Khmer Nam bộ.

Nếu như múa cung đình mang tính trang trọng, cổ kính bao nhiêu thì múa dân gian lại thoải mái, lạc quan và hóm hỉnh bấy nhiêu. Với các động tác khá đơn giản nên mọi người dễ bắt chước để có thể hoà nhập được ngay. Vào những dịp lễ, tết truyền thống của dân tộc, khi tiếng trống hoặc nhạc Ngũ âm vang lên, từng đôi trai gái, già trẻ cùng uyển chuyển hòa mình vào những điệu múa tập thể rất mềm mại và duyên dáng.

Nhà nghiên cứu văn hóa Khmer tỉnh Trà Vinh, ông Săng Sết cho biết: “Người Khmer ngay từ khi còn nhỏ đã thấm vào máu những điệu múa dân gian do ông bà chỉ dạy, những điệu múa này hầu như người Khmer nào cũng biết. Ngày nay, loại hình múa dân gian vẫn được gìn giữ và lưu truyền rộng rãi trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng phum, sóc của người Khmer ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.

Đặc sắc nghệ thuật múa Khmer
Múa Apsara truyền thống của Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng, là một vũ điệu cung đình công phu, độc đáo, ấn tượng, với các động tác sử dụng phải thật uyển chuyển với trang phục sử dụng lấp lánh, sang trọng.

Còn nghệ sĩ Thạch Chăm Rơn - Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng, nói: “Điệu múa sinh hoạt đầu tiên được nhiều người biết đến là Răm vông hay còn gọi là múa Lâm Thôn, có nghĩa là múa vòng tròn, từng đôi trai gái vừa múa, vừa quay lại nhìn nhau thật tình tứ, thể hiện sự quấn quýt. Các động tác của nữ khi múa lượn 2 cánh tay ra trước ngực, còn nam thì lượn cánh tay rộng ra như để che chở cho người bạn múa của mình. Kết hợp với chân, chân nào phía trước thì tay đó ở dưới thấp và ngược lại”.

Ngoài ra, còn điệu múa Lăm Leo, múa Saravan, Chây Dăm... là những điệu múa phổ biến, vì có tiết tấu nhanh, vui nhộn nên được người dân biểu diễn trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, liên hoan hay bất kỳ nơi đâu chỉ cần có tiếng kèn, trống nổi lên là ta sẽ thấy ngay những điệu múa này… Trong nghệ thuật múa dân gian của người Khmer còn có các điệu múa khác như múa xúc tép sử dụng dụng cụ là chiếc xà niêng (Chniêng), múa gáo dừa (Khôs Trolôt), múa gặt lúa (Casêko), múa trống Sadăm, múa Yak (múa Chằn), múa mở rào trong nghi lễ cưới...

Giữ gìn và phát huy nghệ thuật múa Khmer

Hiện nay, múa Khmer đã phát triển mạnh mẽ cả về thể loại lẫn chất lượng và nó hiển nhiên không dừng ở những hoạt cảnh, cốt truyện ngắn, mà đã được các biên đạo múa người Khmer nâng lên thành những cốt truyện dài. Tuy nhiên, đứng trước việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật múa Khmer vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, thử thách.

Đặc sắc nghệ thuật múa Khmer

Đoàn nghệ thuật Rôbăm Bâng Chông, ấp Bưng Chông, xã Tài Văn (huyện Trần Đề – Sóc Trăng) tham gia diễn xuất phục vụ người dân mừng Lễ hội Óoc – oom – bok.

Nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ Sơn Lương cho biết: “Đối với các loại hình nghệ thuật Khmer nói chung, múa nói riêng vẫn chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức. Bởi hiện nay, vấn đề kinh phí hoạt động và sự xuống cấp của trang thiết bị là vấn đề nan giải. Mặt khác, không gian của nghệ thuật múa Khmer còn “bó hẹp” ở các chùa chiền, phum sóc, chứ chưa được phổ biến rộng rãi nên chưa thể đáp ứng tốt nhu cầu thưởng thức của người dân cũng như phát huy hết tiềm năng của nó”.

Trước mắt, để tránh mai một, các ngành chức năng cần phải xây dựng kế hoạch phát triển đồng bộ giữa các loại hình nghệ thuật để nghệ thuật múa Khmer có cơ hội kết hợp, phát huy hết khả năng phục vụ đời sống tinh thần của người dân. Đồng thời, các địa phương cần xây dựng đội ngũ diễn viên múa ở cơ sở để phục vụ một cách nhanh chóng, kịp thời nhu cầu thưởng thức của người dân; giúp người dân sau thời gian lao động, sản xuất có điều kiện tham gia biểu diễn, sáng tạo nghệ thuật và thừa hưởng thành quả, giá trị nghệ thuật do chính họ tạo ra…

Hầu hết các điệu múa truyền thống đều có tính vui nhộn

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, dù hiện nay có nhiều loại hình giải trí hiện đại ra đời, song các điệu múa dân gian Khmer vẫn được nhiều người yêu thích. Người Khmer có thể tổ chức múa ở mọi nơi từ sân khấu rực rỡ, sân chùa hay sân nhà vào những dịp lễ, tết, ngày vui... Hầu hết các điệu múa truyền thống đều có tính vui nhộn được thể hiện qua sự phối hợp nhịp nhàng, sinh động của các động tác tay chân theo từng điệu nhạc. Các điệu múa dân gian của đồng bào Khmer có thể múa thành vòng tròn hoặc múa thành hàng và không giới hạn số người tham gia.