Đắk Lắk: Tăng cường nguồn lực hỗ trợ xóa nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Mô hình khuyến nông, hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển đàn bò sinh sản tại Đắk Lắk. Ảnh: CTV

Hiệu quả giảm nghèo vượt chỉ tiêu

Tỉnh Đắk Lắk có dân số khoảng 1,9 triệu người với 49 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 35,7%.

Theo kết quả khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, qua 5 năm triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tính đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân của các hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng gần 2 lần so với năm 2016, đạt kế hoạch chỉ tiêu chương trình đề ra; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm còn 27,67%, bình quân giảm 5,59%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra.

Hầu hết các tiêu chí về xóa đói giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, về xây dựng nông thôn mới đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, nhất là về phát triển giao thông, trường học, y tế…

Điển hình trong thời gian qua, thông qua các kênh đoàn thể và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), đã có 251.795 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được hỗ trợ vay vốn ưu đãi với tổng doanh số cho vay gần 7,6 nghìn tỷ đồng. Điều này đã đạo điều kiện cho hàng nghìn hộ nghèo có vốn để đầu tư, sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và thoát nghèo.

Theo ông Nguyễn Hoàng Giang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, thời gian qua bên cạnh hỗ trợ vay vốn từ NHCSXH, tỉnh Đắk Lắk còn ưu tiên các chính sách để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo như: dạy nghề, khuyến nông, hỗ trợ về y tế, giáo dục... Qua đó góp phần tạo việc làm, phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Gần đây nhất, một cách làm hay, hiệu quả đang được tỉnh Đắk Lắk nỗ lực triển khai thực hiện đó là chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung Ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được cụ thể hóa tại địa phương.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh chỉ đạo NHCSXH tại địa phương hướng dẫn thủ tục mở tài khoản thanh toán và sử dụng các dịch vụ của NHCSXH đến với UBMTTQ Việt Nam các cấp, đảm bảo thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả đúng quy định.

Ông Đào Thái Hòa - Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk cho biết, mục tiêu cụ thể của chương trình là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Tuyên truyền về Phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và hoạt động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp.

Đặc biệt, thông qua việc tăng cường vai trò, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN, cùng các tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở đối với các hoạt động tín dụng NHCSXH sẽ góp phần phát huy hiệu quả thực hiện tín dụng, giúp người dân phát triển kinh tế , xóa đói giảm nghèo bền vững...

Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5-2%

Trong chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; cải thiện, nâng cao đời sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Theo đó, phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5 - 2%, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3 - 4%, hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%.

Theo đại diện Ban thường trược UBMTTQVN tỉnh Đắk Lắk, để chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thời gian tới, thông qua việc ký kết phối hợp hành động, các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện thường xuyên, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở với nội dung, hình thức phù hợp từng địa bàn.

Đắk Lắk: Tăng cường nguồn lực hỗ trợ xóa nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số
Hỗ trợ bà con khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống để tăng thu nhập. Ảnh: CTV

Tỉnh sẽ tăng cường xã hội hóa công tác giảm nghèo; huy động sức mạnh của toàn xã hội cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, kết hợp chặt chẽ giữa kế hoạch giảm nghèo với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Mục tiêu cụ thể là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo, xác định giảm nghèo nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác; là điều kiện để bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong những năm tới.

“ Năm 2023, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục huy động các nguồn lực cho Quỹ “Vì người nghèo” và bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội” - đại diện Ban thường trực UBMTTQVN tỉnh Đắk Lắk chia sẻ.

Thông qua hoạt động ký kết phối hợp giữa UBMTTQVN và NHCSXH tỉnh, hàng tháng, hàng quý, tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh tuyên truyền kết quả triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, gương “người tốt, việc tốt”; các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội từ nguồn vốn của NHCSXH và Quỹ “Vì người nghèo”.

Đồng thời phát hiện và biểu dương, tôn vinh, khen thưởng hoặc đề xuất khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có đóng góp cho công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức triển khai hỗ trợ người nghèo và hoạt động tín dụng CSXH hiệu quả trên địa bàn.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thông qua các chính sách giảm nghèo như tín dụng ưu đãi, khuyến nông, khuyến lâm và phát triển thủy sản, học nghề, y tế, giáo dục, trợ giúp pháp lý… cho người dân.