Gia đình anh Mùa Sì Páo ở bản Hải Hà (xã Tả Ngảo) từ năm 2015, nhờ nguồn quỹ hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, gia đình được hỗ trợ hai con dê, cùng sự tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ chuyên môn huyện, xã đã thay đổi cách chăn nuôi.
![]() |
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ thăm mô hình nuôi nấm đông trùng hạ thảo của anh Đặng Kiên. |
“Gia đình tôi làm chuồng trại kiên cố, chủ động trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Mùa đông ở Sìn Hồ rất lạnh nên tôi che chắn chuồng trại và chủ động phòng trừ dịch bệnh cho gia súc bằng cách tiêm vắc-xin phòng bệnh. Giờ đây, tôi đang nuôi 4 con bò, 3 con trâu và khoảng 100 con dê. Nhờ chuyển đổi từ chăn nuôi thả rông sang chăn nuôi có chuồng trại, đàn gia súc của gia đình được bảo vệ, trung bình mỗi năm thu về gần 300 triệu đồng từ chăn nuôi. Cuộc sống khấm khá, có của ăn, của để” - anh Mùa Sì Páo nói.
Gia đình anh Đặng Kiên (thị trấn Sìn Hồ) mô hình nuôi nấm đông trùng hạ thảo, đây là mô hình đầu tiên ở nơi cao nguyên đá. Đầu năm 2023 anh Đặng Kiên mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua máy móc, thiết bị và mua công nghệ nuôi nấm đông trùng hạ thảo từ nước ngoài về triển khai trồng.
Sau gần 1 năm nuôi nấm đông trùng hạ thảo anh Kiên đã xuất bán và thu về được hơn 800 triệu đồng. Cũng từ mô hình nuôi nấm đông trùng hạ thảo của anh Kiên đã tạo việc làm thời vụ cho lao động trên địa bàn với mức thu nhập khoảng 200 - 300 nghìn đồng/ngày/người. Điển hình là sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của cơ sở anh vinh dự được công nhận là sản phẩm nông thôn tiêu biểu tỉnh năm 2023 và đạt sản phẩm OCOP của huyện.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có tổng diện tích cây lương thực có hạt 11.849 ha; 1.355 ha diện tích trồng cây ăn quả; khoảng 600 ha cây dược liệu; tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện là 79.925 con, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc năm 2023 là 5,4% (tăng 5% so với cùng kỳ).
Từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giúp người dân trên địa bàn có thêm thu nhập, giảm nghèo. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt trên 36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 4 - 5%./.
Để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Sìn Hồ triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, thông qua các chương trình, nghị quyết như: phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030… Ngoài ra, huyện Sìn Hồ hỗ trợ người dân thực hiện mô hình kinh tế; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng các mô hình kinh tế điển hình, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. |