Đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững
Vườn dứa mật của gia đình anh Triệu Văn Hòa người dân tộc Tày, Kông Lơng Khơng, huyện Kbang (Gia Lai).

Tạo điều kiện để người nghèo có việc làm, thu nhập ổn định

Thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững như nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên về thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); tuyên truyền nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS và cộng đồng xã hội về giảm nghèo bền vững; kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; tập trung thực hiện các chính sách giảm nghèo đa chiều qua việc triển khai nhiều chính sách đầu tư, vốn vay, đào tạo nghề, hỗ trợ y tế, làm nhà ở…

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã phát triển một số mô hình trồng dược liệu có hiệu quả như: mô hình trồng sâm bố chính tại Kbang, trồng cây hoa hòe tại Kông Chro, trồng cà gai leo tại Kông Chro. Hiện có 4 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn khoảng 497 tỷ đồng; có 10 dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư với quy mô khoảng 1.821 ha, tổng vốn dự kiến đầu tư trên 7.272 tỷ đồng.

Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; có 203/220 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế (đạt 92,27%); 412/762 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 54%); tỷ lệ thôn làng, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa quốc gia đạt 83%; 110 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa được xây dựng riêng; 97,3% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; gần 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả được cấp uỷ, chính quyền cơ sở triển khai, mang lại kết quả tích cực, giúp người nghèo có việc làm, thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần nhanh chóng khắc phục như nhận thức của người nghèo đồng bào DTTS chậm thay đổi; phong tục, tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại; nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo còn hạn chế; số hộ đã thoát nghèo nhưng nằm trong diện cận nghèo lớn.

Đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 3%/năm

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững
Trang trại nuôi dê của gia đình ông Hoàng Minh Đường (thôn Hòa Binh, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông)

Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 112/184 xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 7%. Số hộ nghèo toàn tỉnh theo kết quả điều tra cuối năm 2021 là 14.943 hộ, trong đó hộ nghèo DTTS là 12.945 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2021 là 3,96% (giảm 1,42% so với cuối năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo DTTS so với tổng số hộ DTTS là 8,18% (giảm 2,96% so với năm 2020).

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã đề ra mục tiêu giảm bình quân trên 2%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS bình quân trên 3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Phấn đấu đến năm 2030, không còn huyện nghèo, cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn; phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm còn dưới 10% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2026-2030.

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo.

Đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 16,55%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 34,49%; đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 5,38% (đạt chỉ tiêu so với Nghị quyết đề ra là dưới 7%), tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số so với tổng số hộ dân tộc thiểu số là 11,14% (đạt chỉ tiêu so với Nghị quyết đề ra là dưới 15,2%).