Dự kiến ngân sách bố trí cho Chương trình Xây dựng Nông thôn mới tối thiểu 196.332 tỷ đồng
Dự kiến ngân sách bố trí cho Chương trình xây dựng nông thôn mới tối thiểu 196.332 tỷ đồng. Ảnh: Diệu Hoa

Cả nước có trên 5.700 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tổ chức sáng 21/4, trao đổi về tiến độ triển khai chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, mục tiêu đặt ra đến năm 2025, cả nước có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (hiện nay là 69,4%); 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (hiện nay là 34,1%); 60% thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn NTM; cả nước có từ 17-19 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (hiện có 5 tỉnh)…

Dự kiến ngân sách bố trí cho chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 tối thiểu 196.332 tỷ đồng.

Hiện cả nước có 5.683 xã/8.227 xã (69,1%) đạt chuẩn NTM, tăng 33 xã so với tháng trước; có 581 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 225 đơn vị cấp huyện thuộc 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Có 15 tỉnh đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Có 63 tỉnh/thành phố đánh giá, phân hạng và Quyết định công nhận 6.492 sản phẩm "Mỗi làng, xã một sản phẩm" (OCOP) đạt 3 sao trở lên, trong đó 64,5% sản phẩm 3 sao; 33,8% sản phẩm 4 sao và 1,3% sản phẩm tiềm năng 5 sao. Hơn 3.473 chủ thể tham gia, trong đó có 39,6% là hợp tác xã, 26,3% là doanh nghiệp, 32% là cơ sở sản xuất, còn lại là tổ hợp tác.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; 04 quyết định phê duyệt Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (xã, huyện, tỉnh) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.

Tại hội nghị, các địa phương bày tỏ quyết tâm cao trong việc triển khai, thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời nêu một số kiến nghị đề xuất như: Các bộ, ngành khẩn trương ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện 2 chương trình; quan tâm, bổ sung bố trí nguồn lực để thực hiện các đề án, ưu tiên các nguồn vốn từ các chương trình; quan tâm đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; quan tâm về kinh tế số, chuyển đổi số trong xây NTM cùng với vấn đề nước sạch khu vực nông thôn, xử lý nước thải sinh hoạt hộ gia đình, cụm dân cư...

Dự kiến ngân sách bố trí cho Chương trình Xây dựng Nông thôn mới tối thiểu 196.332 tỷ đồng
Các địa phương tham gia hội nghị trực tuyến sáng ngày 21/4. Ảnh: Diệu Hoa

Lồng ghép nguồn vốn để các chương trình mục tiêu quốc gia đạt hiệu quả, thiết thực

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia nhấn mạnh, quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia không được trùng lắp các nguồn vốn gây lãng phí. Đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia đã có sự phân quyền rất lớn cho chính quyền các địa phương, do vậy, các địa phương cần có sự quan tâm để thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn trong các chương trình này một cách hiệu quả, thiết thực.

"Các địa phương khẩn trương trình HĐND phê duyệt kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đoạn 2021 – 2025 để làm cơ sở cho việc tổ chức triển khai thực hiện các chương trình năm 2022. Triển khai các giải pháp huy động, bổ sung nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi..." - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đến nay các văn bản pháp luật đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã cơ bản hoàn thiện, đầy đủ, vấn đề còn lại việc chúng ta triển khai thực hiện. Việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững chủ yếu là do các địa phương thực hiện, các bộ, ngành Trung ương với vai trò hướng dẫn dắt, định hướng...

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quán triệt về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn đối với hai chương trình này. Các bộ, ngành, địa phương tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững, đồng thời tăng cường công tác thanh kiểm tra để đánh giá quá trình triển khai, thực hiện.