Đây là chia sẻ của bà Thạch Thị Chal Thi - Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh FARM (Sokfarm) với đặc sản Trà Vinh là sản phẩm mật hoa dừa nổi tiếng, hiện đã có mặt tại hơn 30 tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan.
*PV: Thưa bà, cuối năm 2021, mật hoa dừa Sokfarm cũng là Doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đạt giải thưởng ASEAN Business Awards hạng mục Inclusive Business – Doanh nghiệp phát triển bao trùm. Xin bà cho biết, sản phẩm này đã góp phần cải thiện sinh kế địa phương, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số như thế nào?
- Bà Thạch Thị Chal Thi: Giá trị cốt lõi của Sokfarm chính là xây dựng thương hiệu trên quê hương gắn với nghề truyền thống của người Khmer.
Thạch Thị Chal Thi, sinh năm 1989 trong một gia đình thuần nông ở huyện Tiểu Cần. Năm 2018, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm tại Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, Chal Thi cùng chồng về quê, mày mò nghiên cứu, khôi phục lại nghề thu mật truyền thống từ hoa dừa của đồng bào Khmer đã gần như bị thất truyền ở địa phương. |
Thời điểm hiện tại, Sokfarm có thể tự hào giới thiệu với bạn bè quốc tế về sản phẩm mật hoa dừa Sokfarm, một sản phẩm từ tài nguyên bản địa, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và phù hợp với mọi thị trường.
Thực tế cho thấy, nghề mật hoa dừa đã giúp nông dân quê mình, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, có thể gia tăng giá trị kinh tế cho nông hộ từ 3 -5 lần, thu nhập ổn định theo tháng.
Đặc biệt, đến nay, ngành nghề đã tạo thêm việc làm cho hơn 33 gia đình. Trong đó, chiếm khoảng 80% là người dân tộc Khmer.
Bà Thạch Thị Chal Thi tham dự Diễn đàn Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo năm 2022. Ảnh: T.Uyên |
Hiện doanh số hằng năm tăng trưởng 200%. Riêng năm 2021, bán ra khoảng 200.000 sản phẩm, ước đạt 12 tỉ đồng. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu chỉ chiếm 10% nên tôi mong muốn rằng thị trường xuất khẩu sẽ đạt 50-60% trong những năm tới.
Chúng tôi đặt mục tiêu là phát triển doanh nghiệp Sokfarm định hướng đến năm 2030 sẽ kết nối với 1000 nông hộ trong khu vực. Đây là một đóng góp không nhỏ, góp phần ổn định đời sống cho bà con và phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào miền núi.
*PV: Bà có thể chia sẻ đôi chút về những động lực đã đưa bà đến với ý tưởng khởi nghiệp sản xuất các sản phẩm từ mật hoa dừa?
- Bà Thạch Thị Chal Thi: Tôi hay nói vui với đối tác rằng tại thần dừa chọn Cathy, thần dừa chọn Sokfarm ngành nghề này.
Đầu tiên là xuất phát từ việc mong muốn giải cứu cho vườn dừa hơn 2 hecta của gia đình, sau khi trồng 5 năm có trái, nhưng không bán được, thương lái ép giá chỉ còn 20k/chục 12 trái. Lúc đó, tính toán tôi thấy, với 1200 trái dừa, nông dân chỉ bán được có 2 triệu thôi. Giá trị quá thấp so với sức lao động bà con bỏ ra.
Vốn được học Thạc Sĩ chuyên ngành Công nghệ Thực Phẩm tại Đại học TP. Hồ Chí Minh, đã thôi thúc tôi tìm một hướng đi mới cho cây dừa quê hương mình, càng dấn thân vào thì lại càng thấy ý nghĩa nhiều hơn.
Ban đầu khi bắt tay vào việc nghiên cứu, khó khăn không kể siết và rất nhiều lần thất bại. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi đã tìm ra cách thu mật, chế biến các sản phẩm từ mật hoa dừa và áp dụng thành công. May mắn hơn nữa, chúng tôi được tiếp cận Chương trình hỗ trợ từ Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Dự án SME Trà Vinh) do Chính phủ Canada tài trợ, trong 2 năm 2019 và 2021, Chal Thi được hỗ trợ tổng số tiền 800 triệu đồng để mua sắm thiết bị máy móc hiện đại. Ngoài ra, dự án còn thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ công ty nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.
Thời gian qua, tôi luôn quyết tâm cố gắng thật nhiều để có thể phát triển, đưa ngành nghề đến với nhiều nông hộ hơn.
*PV: Có thể nói là bà đã khởi nghiệp thành công, vậy bà có những bài học kinh nghiệm gì muốn chia sẻ với các start-up Việt Nam nói chung và đồng bào dân tộc nói riêng để có thể phát triển thành công thương hiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền?
- Bà Thạch Thị Chal Thi: Ngay từ đầu, Sokfarm đã xác định được giá trị cốt lõi và định hướng chuẩn hoá từ khâu quy trình sản xuất, bộ nhận dạng và văn hoá doanh nghiệp được đồng bộ. Sok là một từ trong tiếng Khmer có nghĩa là hạnh phúc, và Sokfarm là nông nghiệp hạnh phúc. Giá trị của doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh cũng đã được mình đưa vào tên của thương hiệu rất rõ ràng. Ở Sokfarm, mình muốn tạo ra một chuỗi giá trị Nông nghiệp hạnh phúc, Mật hoa dừa Sokfarm là sản phẩm sẽ mang đến niềm tự hào và hạnh phúc cho các nông hộ, nhà sản xuất, nhà bán hàng và những người luôn yêu thương Sokfarm.
Bà Thạch Thị Chal Thi giới thiệu sản phẩm mật hoa dừa nổi tiếng. Ảnh: TL |
Với kinh nghiệm của Sokfarm, là một doanh nghiệp về chế biến nông sản, chúng tôi đã chọn xây dựng thương hiệu bắt nguồn từ văn hoá địa phương, về những lợi thế vùng miền, kết hợp với công nghệ để khẳng định chất lượng và tính tác động xã hội của mô hình. Như vậy, câu chuyện khởi nghiệp sẽ được lan toả được xa hơn.
Sokfarm có 6 sản phẩm chính gồm: nước uống mật hoa dừa, mật hoa dừa cô đặc, đường mật hoa dừa, mật hoa dừa lên men, ca cao sấy mật hoa dừa và giấm mật hoa dừa đã có mặt trên thị trường, nhận được sự phản hồi tích cực từ người tiêu dùng… Trong đó, UBND tỉnh Trà Vinh chứng nhận sản phẩm nước uống mật hoa dừa của Sokfarm đạt OCOP 4 sao; Mật hoa dừa cũng là 01 trong 04 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 của tỉnh Trà Vinh được Bộ Công thương công bố mới đây. |
Hơn nữa, chúng tôi chọn định hướng truyền thông chân thật, vì mình biết xây thương hiệu nó là một quá trình dài, chứ không nhanh được. Nên với định hướng chân thật, sẽ giúp mình luôn giữ được cái hồn của doanh nghiệp và thật ra nó cũng giúp mình vui hơn trong quá trình làm việc, mình hạnh phúc hơn.
Và trên hành trình đó, may mắn của Sokfarm là luôn nhận được sự quan tâm, của các cấp chính quyền và sở ban ngành. Từ lúc ý tưởng mới bắt đầu, thấy được những tính tác động xã hội của mô hình, tạo ra một chuỗi giá trị mới cho ngành dừa Trà Vinh nên chính quyền đã luôn quan tâm và hỗ trợ, đồng hành cùng chúng tôi.
*PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!