![]() |
Chủ nhà vườn Cao Văn Lùng (bên trái) ở xã Hòa Tân giới thiệu về đặc sản dừa sáp của huyện Cầu Kè. Ảnh: Phúc Sơn |
Nguồn thu nhập chính của đồng bào dân tộc Khmer
Dừa sáp chỉ có duy nhất ở vùng đất Trà Vinh, trong đó, ngon nhất và đúng chất nhất là ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh). Nguyên vào năm 1924, một vị sư cả người Khmer khi sang thăm Battambang (Campuchia) đã được thưởng thức một thứ nước dừa rất ngon, đến khi trở về ông đã mang theo được 2 cây giống của loại dừa độc đáo này. Trong những năm 60 của thế kỷ trước, có người đã xin được giống dừa này từ vị sư cả chùa Chợ (chùa Bô-tum Sa-cao) và đưa về trồng tại vùng thị trấn Cầu Kè.
Sau gần 100 năm cây dừa sáp đầu tiên của Việt Nam “bén duyên” ở vùng đất Cầu Kè, đến nay, địa phương này đã có trên 171.000 cây dừa sáp, được trồng trên diện tích gần 780ha, với sản lượng trung bình mỗi năm trên 3,3 triệu quả.
Dừa sáp Trà Vinh lần đầu tiên được tiếp thị chính thức tại Australia Thương vụ Việt Nam ở Australia vừa cho biết, dừa sáp Trà Vinh lần đầu tiên xuất khẩu bằng máy bay sang Australia với số lượng lớn, được phân phối hết, tổng giá trị lên đến 70.000 AUD (hơn một tỷ đồng). |
Với giá dừa sáp tại vườn hiện đang dao động từ 80 - 150 ngàn đồng/quả, có khi tăng đến 160- 200 ngàn đồng/quả vào các mùa lễ hội (cao gấp 10 - 20 lần so với quả dừa thường); số dừa không sáp còn lại cũng được người dân bán với giá 20 - 25 ngàn đồng/quả (cao gấp 2 - 2,5 lần so với quả dừa thường)... cho thấy lợi nhuận thu được từ trái dừa Sáp là rất cao (khoảng trên 120 triệu đồng/ha), gấp 5 lần một ha dừa thường (khoảng hơn 20 triệu đồng/ha).
Cùng nguồn giống nhưng khi trồng ở những vùng đất khác không ra quả sáp, chỉ cho ra những quả dừa bình thường. Chính vì vậy, dừa sáp Cầu Kè rất hút hàng; trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ Khmer ở địa phương.
Gia đình ông Thạch Dách, ấp Chông Nô 2, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, bắt đầu chuyển đổi 0,45ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dừa sáp từ năm 2008 và đến nay, vườn dừa sáp của gia đình ông lên đến 1,5ha. Hiện tại, vườn dừa này cho thu hoạch từ 100 - 120 quả sáp/tháng, giá bán dao động từ 30.000 - 100.000/quả tuỳ loại sáp đặc, sáp lỏng hoặc sáp sệt. Cùng với nguồn dừa khô, mỗi tháng gia đình ông luôn đạt lợi nhuận ổn định hơn 10 triệu đồng, cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa trên cùng diện tích.
Những năm gần đây, các nhà khoa học của Trường Đại học Trà Vinh đã nghiên cứu thành công nhân giống dừa sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi, nuôi cấy mô, cho tỷ lệ quả sáp đạt 70 - 90%/buồng, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ đạt sáp của giống cây dừa sáp truyền thống (chỉ 10 - 20%/buồng).
Quả dừa sáp mang lại cuộc sống sung túc cho nhiều hộ Khmer
![]() |
Đóng gói kẹo dừa sáp tại Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè. Ảnh: Thanh Hòa |
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cầu Kè Diêu Hùng Thắng cho biết, trước đây huyện Cầu Kè là địa phương duy nhất của cả nước trồng được cây dừa sáp nhờ đặc tính thổ nhưỡng thích hợp. Vì vậy, quả dừa sáp từng mang lại cuộc sống rất sung túc cho nhiều hộ Khmer trên địa bàn nhờ luôn hút hàng, giá bán cao. Dừa sáp truyền thống là giống gene quý nên địa phương đang tích cực tuyên truyền người dân không chặt bỏ cây dừa sáp truyền thống để trồng dừa sáp cấy phôi.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến Dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) được thành lập tháng 7/2020. Đây là đơn vị tiên phong và duy nhất tại Việt Nam chế biến đa dạng, chuyên sâu các sản phẩm từ dừa sáp.
Tháng 5/2023, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục “Đơn vị chế biến sâu trái dừa sáp thành hệ thống nhiều dòng sản phẩm nhất, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu” cho Vicosap. Đây cũng là đơn vị có sản phẩm “dừa sáp sợi” đạt chuẩn Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp quốc gia (5 sao).
Để bảo tồn giống dừa sáp truyền thống và đảm bảo được nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, công ty đang phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chức năng và các hộ trồng dừa sáp truyền thống thực hiện dự án “Làng Bảo tồn Dừa sáp Nguyên bản gắn phát triển dịch vụ - du lịch cộng đồng, cải thiện sinh kế đồng bào Khmer".
Vùng nguyên liệu này được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với chỉ dẫn địa lý, dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Dự án thành công sẽ giúp các hộ Khmer trồng dừa sáp truyền thống trên địa bàn huyện Cầu Kè gắn kết, tăng thu nhập, có thị trường tiêu thụ bền vững.
Quả dừa sáp truyền thống - đặc sản của tỉnh Trà Vinh - sẽ được bảo tồn và tiếp tục mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ Khmer địa phương./.
Đến cuối tháng 6/2023, tổng diện tích dừa ở huyện Cầu Kè là khoảng 3.878 ha, sản lượng khoảng 52 triệu trái. Trong đó có gần 75.000 cây dừa Sáp, sản lượng hơn 200.000 trái, mang lại thu nhập từ 2,3 - 3,7 triệu đồng/cây/năm, giúp cải thiện đáng kể thu nhập của gần 2.600 hộ trồng dừa sáp huyện Cầu Kè, trong đó hộ Khmer chiếm trên 70%. |