Gia Lai: Kiên trì mục tiêu giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số 3% mỗi năm
Đội quản lý bảo vệ rừng nhận khoán trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang, Gia Lai đi kiểm tra rừng. Ảnh: Sơn Nam

Nhiều cách làm hay, hiệu quả

Để triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) theo Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ về lồng ghép vốn 3 Chương trình: xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững, thời gian qua, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kèm theo đó là chương trình hành động với lộ trình, bước đi, giải pháp đồng bộ nhằm huy động tối đa các nguồn lực để giảm nghèo trong đồng bào DTTS.

Theo đó, các chương trình giảm nghèo bền vững được triển khai lồng ghép một cách có hiệu quả với các chương trình, dự án, phong trào, cuộc vận động nhằm hướng đến mục tiêu cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Qua quá trình triển khai đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm đổi mới, sáng tạo không chỉ giúp đồng bào vùng DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm mà còn giúp hàng ngàn hộ dân thoát nghèo bền vững.

Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, trong 10 năm (2011 - 2021), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh Gia Lai đã nỗ lực khảo sát thực trạng hộ nghèo, thực tiễn địa phương, từ đó xây dựng và duy trì được hơn 400 mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cả lĩnh vực kinh tế và đời sống văn hóa - xã hội, với sự tham gia của gần 18.300 hộ đồng bào DTTS trong tỉnh.

Theo đánh giá của Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai, thực hiện chương trình này, các sở, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương thời gian qua đã vào cuộc quyết liệt và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, nhất là đối với vùng đồng bào DTTS.

Mỗi năm trên địa bàn tỉnh xuất hiện hàng trăm mô hình hay, cách làm hiệu quả, giúp đồng bào thoát nghèo bền vững, như: Trồng chuối ghép mô tại làng Nák, thị trấn Kbang; nuôi dê sinh sản tại làng Đầm, xã Tơ Tung (huyện Kbang); canh tác dưới tán rừng ở các xã: Hải Yang, Hà Đông, Kon Gang; nuôi heo tại xã Hà Bầu và xã Hà Đông (huyện Đak Đoa); cải tạo và xóa vườn tạp trong các làng đồng bào DTTS (huyện Mang Yang)...

Điển hình hiệu quả rõ rệt được ghi nhận tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng huyện Kbang, để tạo sinh kế cho người DTTS sống trong vùng đệm có việc làm để thoát nghèo, ban giám đốc khu bảo tồn đã có cách làm hay bằng cách sử dụng chính các hộ có tranh chấp đất tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, đồng thời tạo điều kiện cho con em của họ vào làm việc tại đơn vị.

Ông Nguyễn Văn Quân - Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cho biết, hàng năm đã hỗ trợ 5 thôn, làng vùng đệm 200 triệu đồng/năm để xây dựng, sửa chữa nhà rông, điện chiếu sáng, hệ thống nước sạch, mua giống vật nuôi, cây trồng chất lượng cao.

Cùng với đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đã giao khoán quản lý, bảo vệ hơn 4.000 ha rừng cho 329 hộ dân và 18 cộng đồng Bahnar của 5 thôn, làng vùng đệm với đơn giá 300 - 400 ngàn đồng/ha/năm; tham gia giữ rừng, mỗi hộ nhận bình quân trên 4 triệu đồng/năm. Quan trọng hơn là người thân trong gia đình, dòng họ và dân làng chung tay bảo vệ, không để rừng bị xâm hại.

Trọng tâm phát triển nông thôn mới

Đầu tháng 3/2023, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 493/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Gia Lai xác định các mục tiêu giúp vùng nông thôn thay đổi như: đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng; cải thiện, nâng cao đời sống người dân nông thôn; phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ một cách toàn diện, tạo cơ hội cho người dân nông thôn phát triển kinh tế; xây dựng nếp sống văn hóa.

Theo đó, từ nay đến cuối năm 2023 và những năm tiếp theo, tỉnh Gia Lai tập trung thực hiện các tiêu chí xã NTM nâng cao; tập trung đầu tư, hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt chuẩn của 3 xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn trong năm; thực hiện các tiêu chí làng NTM. Kế hoạch huy động nguồn vốn để triển khai thực hiện chương trình năm 2023 dự kiến là hơn 7.217 tỷ đồng.

Để triển khai kế hoạch, UBND tỉnh đã tiến hành các giải pháp gồm: đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động để tạo được sự đồng thuận trong cán bộ và người dân nông thôn tham gia thực hiện chương trình; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn trong tổ chức...

Gia Lai: Kiên trì mục tiêu giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số 3% mỗi năm
Diện mạo vùng nông thôn mới tại Gia Lai. Ảnh: CTV

Các công tác lập kế hoạch, tỉnh Gia Lai sẽ đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong định hướng phát triển chung của cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Trong quá trình thực hiện phải lựa chọn các hạng mục ưu tiên, cấp bách có kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể. Tận dụng các nguồn lực được hỗ trợ để triển khai hiệu quả 6 chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm mang lại hiệu quả tại địa phương.

Theo kế hoạch năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có 9 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, bình quân đạt 15,71 tiêu chí NTM/xã. Cùng với đó, toàn tỉnh phấn đấu có 41 thôn, làng đạt chuẩn NTM.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp, mục tiêu phấn đấu của tỉnh đến năm 2025 có 120 xã trở lên và 10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Giai đoạn 2022 - 2025, hàng năm giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo và 3% tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có 102 thôn, 21 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

Dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2023 của Gia Lai là 7.217,22 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 hơn 3.838 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 hơn 3.585 tỷ đồng; kế hoạch vốn đầu tư phát triển (bổ sung) giai đoạn 2021 - 2025 cho tỉnh hơn 253 tỷ đồng.